VEPR nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 5,3%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội sớm hơn dự kiến, Nhóm nghiên cứu của VEPR đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
 
Ảnh Trần Nam
Ảnh Trần Nam

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, kịch bản lạc quan nhất được xây dựng trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng Sáu, giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của Covid-19 sẽ rơi vào quý II/2020. Với kịch bản lạc quan này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong năm 2020. Trước đó, vào tháng 4, VEPR, đưa ra dự báo tăng trưởng 4,2% cho kịch bản lạc quan.

Với các kịch bản trung tính và bi quan, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có thể tái bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, thậm chí là quý IV/2020. Mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất, chế biến - chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể chỉ là 3% với kịch bản trung bình hoặc chỉ là 1,7% với kịch bản bi quan.

Các kịch bản này so với các dự báo trước đó có khoảng cách không quá lớn.

Báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã đưa ra 2 kịch bản tương ứng với mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào thời điểm kết thúc dịch bệnh.

Trong điều kiện thuận lợi, GDP năm 2020 có thể tăng trưởng 4,4 - 5,2% và phấn đấu đạt 5,4%. Nếu tình hình khó khăn hơn, các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam khống chế dịch trong quý IV/2020 thì mức tăng trưởng chỉ có thể đạt mức 3,6 - 4,4%, hoặc có thể thấp hơn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và bùng phát trở lại.

Đối với các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%, mức dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 4,8%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo ở mức 2,7%.

Tương ứng với những kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế nêu trên, nhóm nghiên cứu của VEPR vẫn tiếp tục khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy đầu tư công trong nửa sau năm 2020 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bù đắp được những khó khăn tạm thời của nhiều ngành sản xuất.

Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc mở rộng đầu tư công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và có sẵn vốn thực thiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu, và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương có nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã được ban hành, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần phải được ưu tiên hàng đầu và triển khai nhanh chóng các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Chuyên đề