Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cuộc bình chọn các quy định pháp luật. |
VCCI cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về việc “tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách của các bộ, ngành và địa phương, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng” và góp phần chuẩn bị cho cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, VCCI cho biết đã tổ chức cuộc bình chọn các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Cuộc bình chọn đã tập hợp các đề cử các quy định từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng danh sách ngắn các đề cử quy định tốt và quy định chưa phù hợp trên thông qua các phân tích độc lập của nhóm nghiên cứu của VCCI cùng hội đồng chuyên gia gồm 16 thành viên là những cá nhân nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh dựa trên 10 tiêu chí đánh giá chất lượng pháp luật.
Theo VCCI, văn bản pháp luật khi ban hành cần đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, thống nhất, tính khả thi, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát được nguy cơ nhũng nhiễu, đảm bảo ban hành và có hiệu lực đúng quy định.
VCCI cũng kiến nghị các bộ, ngành và cơ quan có liên quan cần tăng cường đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước. đảm bảo luôn đăng tải công khai các thông tin trong quá trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng xem xét biểu dương các bộ, ngành có quy định tốt và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm sửa đổi một số quy định có nội dung chưa phù hợp.
Cụ thể, theo VCCI, danh sách 30 quy định được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng, cần được các bộ, ngành tiếp tục phát huy. Trong đó có một số quy định nổi bật như: Bãi bỏ tội kinh doanh trái phép tại Bộ luật Hình sự 2015l Bãi bỏ quy định về mức trần 15% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ… ; Bỏ quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản" tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Giảm tần suất kê khai thuế theo quý thay vì theo tháng đối với doanh nghiệp có doanh thu năm liền trước từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng; Cho phép người nước ngoài có các quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam tại Luật Nhà ở 2014.
Các quy định cũng được đánh giá cao như: Nhà đầu tư nước ngoài được mua ít hơn 51% cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Luật Đầu tư 2014; Mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Quy định giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông cho doanh nghiệp từ 25% xuống 22% (từ 1/1/2014) và giảm tiếp xuống 20% (từ 1/1/2016) tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013...
Cũng theo VCCI, danh mục cụ thể các quy định chưa phù hợp và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi. Theo đó, bao gồm một số quy định như: Hạn chế các cơ sở in không được hợp tác với các cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in do mình đã nhận hợp tác; Khi cột đo xăng bị hư hỏng phần thiết bị có kẹp chì, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý.
Các VCCI còn kiến nghị sửa quy định Thông tư số 56/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, chuyển thủ tục kê khai giá chỗ phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước thành thủ tục thông báo; Nghị định 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/9/2015 quy định về đầu tư ra nước ngoài, chuyển thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài từ chỗ phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước thành thủ tục thông báo.
Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 07/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ với nội dung: kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải có giấy phép kinh doanh; Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Đồng thời, kiến nghị bãi bỏ điều 1 Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống với nội dung: thương nhân nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất. Xây dựng nghị định về điều kiện kinh doanh ô tô phù hợp để bảo vệ sản xuất ô tô trong nước và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và phù hợp trong nhập khẩu ô tô.
Bãi bỏ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với nội dung: điều kiện về số lượng xe tối thiểu trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng ôtô; Bãi bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (1) doanh nghiệp không phải là công ty cổ phần và (2) người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề...