Ảnh minh họa: Internet |
Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ nhận định, dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP.HCM và một số tỉnh phía Nam với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều nơi còn chưa được quán triệt, chưa đúng, chưa đầy đủ trách nhiệm, còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lúng túng khi tình hình, diễn biến dịch bệnh thay đổi. Việc tổ chức tiêm vắc xin còn chậm, chưa thật sự khoa học, hiệu quả. Việc quản lý, kiểm soát người ra vào vùng có dịch chưa chặt chẽ, không ít nơi còn buông lỏng, chủ quan. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm, lây lan nhanh của biến chủng mới Delta và chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Do đó, một trong những giải pháp cấp bách trong thời gian tới được Nghị quyết 86/NQ-CP nêu rõ là giải pháp về vắc xin, thuốc điều trị Covid-19.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vắc xin” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đề xuất của 4 hiệp hội (Da - Giày - Túi xách Việt Nam - LEFASO, Dệt may Việt Nam - VITAS, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - VEIA, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM - HAWA).
Phân bổ và tiêm vắc xin kịp thời
Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP, Bộ Y tế căn cứ chỉ đạo, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia để kịp thời phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ.
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh quyết định việc ưu tiên các đối tượng tiêm vắc xin phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi. Huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí cho người dân.
Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, cấp phép
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất và với giá thấp nhất có thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng cùng với các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo đảm công bằng trong chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.
Về tiến độ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 trong nước, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax (do Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển) theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền. Trước đó, Thủ tướng nhận được văn bản kiến nghị của GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam - Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương về việc cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp.
Vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020 và giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021), đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và thực hiện đánh giá 3 yếu tố, gồm tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên tình nguyện viên Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Theo đề cương, giai đoạn 3a tiêm cho 1.000 đối tượng, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch, tỷ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vắc xin trên nhóm tiêm giả dược là 6:1. Giai đoạn 3b được tiêm trên 12.000 người, tỷ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vắc xin trên nhóm tiêm giả dược là 2:1. Dự kiến, trước ngày 15/8 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a, từ kết quả đó các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vacccine của giai đoạn 3a.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 diễn ra ngày 9/8, tính đến ngày 8/8/2021 (sau 5 tháng triển khai tiêm chủng), cả nước đã tiêm được 10.393.025 liều (tỷ lệ sử dụng đạt 67% so với số vắc xin 18 đợt, riêng vắc xin Moderna và Sinopharm chỉ tính 1/2), trong đó có 8.458.225 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 967.400 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Trong đó, TP.HCM được phân bổ 4.972.540 liều (bao gồm cả đợt 19, 20); đã tiếp nhận 4.667.170 liều (phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố là 4.258.440 liều và các đơn vị trực thuộc là 408.730 liều).
Một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc xin chậm như: Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hoá.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)