Ưu tiên đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo trì đường thủy

(BĐT) - Quy định về đấu thầu rộng rãi toàn bộ những gói thầu dịch vụ quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy nội địa tại Dự thảo Thông tư quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhà thầu. Trong bối cảnh hiện tại, duy trì cơ chế đặt hàng đã trở nên cứng nhắc, thiếu cạnh tranh và gây ra nhiều hệ lụy.
39 trong 40 gói thầu bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia năm 2020 tại Cục Đường thủy nội địa sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng. Ảnh: Lê Tiên
39 trong 40 gói thầu bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia năm 2020 tại Cục Đường thủy nội địa sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng. Ảnh: Lê Tiên

Sẽ đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo trì hơn 7.180 km đường thủy quốc gia

Dự thảo lần 2 Thông tư quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thuộc dự toán chi ngân sách trung ương đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến rộng rãi.

Dự thảo Thông tư quy định, việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đấu thầu, trừ trường hợp đặc biệt là khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1 được đặt hàng theo quy định. Việc tổ chức đấu thầu tuân thủ theo Luật Đấu thầu, đảm bảo các điều kiện theo quy định như: kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, hồ sơ mời thầu được phê duyệt, công khai thông tin về đấu thầu… Cơ quan đầu mối tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ là Cục Đường thủy nội địa.

Như vậy, theo Bộ GTVT, tinh thần của thông tư này là sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo trì thường xuyên cho hơn 7.180 km đường thủy quốc gia thuộc 143 tuyến sông, kênh.

Nắm bắt sớm tinh thần của Thông tư, dự kiến ngay đầu năm 2020, các gói thầu dịch vụ quản lý, bảo trì thường xuyên các tuyến đường thủy nội địa sẽ được công bố mời thầu rộng rãi. Cụ thể, đầu tháng 2/2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (bên mời thầu)  công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu 40 gói thầu quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc phạm vi Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, phía Nam quản lý năm 2020 với tổng giá dự toán là 326,308 tỷ đồng. Cả 40 gói thầu đều lựa chọn nhà thầu trong quý I/2020. Trong đó, 39 gói thầu sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, không qua sơ tuyển. Gói thầu duy nhất được chỉ định thầu là Gói thầu Lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu từ bảo dưỡng thường xuyên - 01 đến bảo dưỡng thường xuyên - 38 và gói thầu DMN.

39 gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng đều là các gói thầu phi tư vấn bảo dưỡng thường xuyên (quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực từ 01 - 38); quy mô dưới 10 tỷ đồng; phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. 

Chỉ áp dụng đặt hàng trong trường hợp thiên tai

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, rất quan tâm và đồng thuận với nội dung của Dự thảo Thông tư. Bởi từ năm 2016 về trước, các gói thầu quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thường được thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Đây là một cơ chế thiếu tính cạnh tranh, minh bạch và chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, việc bảo trì thường xuyên hệ thống đường thủy nội địa được Bộ GTVT cho phép kết hợp cả hai phương thức đặt hàng và đấu thầu.

Tuy nhiên, sự tồn tại của cả hai cơ chế nói trên làm phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, sau khi 15 đơn vị quản lý đường thủy hoàn thành việc chuyển sang công ty cổ phần từ năm 2016, công tác đấu thầu bảo trì đường thủy nội địa được Bộ GTVT triển khai song song với cơ chế đặt hàng. Do dự toán nguồn vốn cho công tác này thường được giao vào cuối năm nên không thể thực hiện đấu thầu rộng rãi tất cả các gói thầu, mà phân bổ trực tiếp 4 tháng đầu năm bằng cơ chế đặt hàng, 8 tháng cuối năm sẽ đấu thầu rộng rãi. “Với các doanh nghiệp mới cổ phần hóa như 15 đơn vị thuộc Cục Đường thủy nội địa, việc xoay xở các thủ tục để vừa được đặt hàng, vừa tham gia đấu thầu trong vòng 1 năm là rất tốn kém và không hiệu quả. Mấu chốt chính là thời gian thực hiện bảo trì đường thủy đang rất ngắn (12 tháng) so với đường bộ (2 - 3 năm) khiến chi phí bỏ ra của doanh nghiệp cao mà khả năng sinh lời thấp”, đại diện một công ty quản lý, bảo trì đường thủy nội địa phân tích.

Bộ GTVT cho biết, nếu Thông tư được ban hành sẽ thay đổi hoàn toàn cách đấu thầu lâu nay. Theo đó, sẽ chỉ đặt hàng trong những trường hợp cấp bách. Còn lại, duy trì cơ chế đấu thầu rộng rãi toàn bộ những gói thầu dịch vụ này để tạo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Chuyên đề