Ứng phó COVID-19: Đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tinh thần của giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực nhưng phải tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung an toàn với dịch. Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hoà giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết, không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn.
Ứng phó COVID-19, việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ
Ứng phó COVID-19, việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ

Đó là quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tọa đàm "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 26/5/2021.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta đã rất thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020. Nhưng giờ bối cảnh thách thức hơn, quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó dư địa của chính sách tài khoá tiền tệ bị thu hẹp lại sau một thời gian nguồn lực tích lũy phải dùng một phần cho chống chịu, ứng phó với COVID-19. Các doanh nghiệp đã chống chịu hết sức kiên cường từ năm 2020, nhưng khả năng chống chịu còn yếu.

Chủ tịch VCCI cho rằng, chúng ta đang ở trong bối cảnh duy trì nền kinh tế với nhiều thách thức mới. Quan điểm thực hiện một cách chủ động, tích cực, ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân là vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế, trong ứng phó với dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị có khả năng chống chịu tốt hơn..

Nói sâu về giải pháp chống dịch, ông Lê Thanh Vân - đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, cho rằng tình huống chống COVID-19 thay đổi bởi 3 yếu tố: Một là biến chủng của COVID-19 khác với trước, hai là độc lực khác trước, ba là tâm thế, kinh nghiệm chúng ta tích lũy nên phương thức phải khác. Trước đây chúng ta bao vây, truy vết, xử lý khi chưa có bài học phòng chống COVID, thế giới chưa có vaccine, lúc đó là phù hợp. Còn bây giờ, bối cảnh là biến chủng lan nhanh, độc lực mạnh hơn, chúng ta không thể duy trì mãi bao vây, cô lập nên tinh thần của Thủ tướng là chủ động tấn công, nhưng không phải lúc nào cũng là tấn công mà phải hài hòa giữa phòng thủ và tấn công. Phải thay đổi phương thức, từ chỗ bao vây, truy vết, xử lý sang lấy miễn dịch cộng đồng để đối phó với lây lan cộng đồng.

Ông Lê Thanh Vân khuyến nghị 5 giải pháp liên hoàn. Thứ nhất là thay đổi biện pháp cách ly, lấy cách ly cá nhân tại chỗ làm trọng. Hai là tiêm vaccine cho tối thiểu 60 - 70% dân số để tạo ra kháng nguyên trong mỗi cơ thể con người, sinh ra kháng thể để chống lại COVID. Ba là duy trì liên tục 5K. Bốn là tăng cường tính kỷ luật của mỗi công dân cùng với cộng đồng, cùng với cả nước; tình trạng vô kỷ luật, không chấp hành nghiêm pháp luật có thể phá vỡ thế trận. Cuối cùng là kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại, bởi xung quanh chúng ta có rất nhiều cây thuốc nam có thể hỗ trợ quá trình tạo ra những kháng chất chống lại COVID-19.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, thì nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là tiếp tục củng cố niềm tin của người dân vào Chính phủ và bộ máy, để cùng đồng lòng, đồng tâm phòng dịch, không lơ là, không chủ quan. Đồng thời, việc kiểm soát dịch bệnh phải ở mức độ nào để đảm bảo đời sống giữa các địa phương có dịch với phần còn lại, làm thế nào để đảm bảo nhịp điệu tăng trưởng. "Tôi ví dụ như chuyện đơn giản nhất là có hay không có cách ly, phong toả đến đâu, giãn cách thế nào, thực hiện các biện pháp quản lý ra làm sao để đảm bảo cho đời sống vẫn diễn ra ở mức độ bình thường mà không bị xáo trộn... Nếu các địa phương đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như đình trệ trong sản xuất kinh doanh thì sẽ dẫn đến toàn bộ hệ thống của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn, có nghĩa là những chỉ tiêu kinh tế khó đạt được", ông Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh Việt Nam phải đặt mình trong mối tương quan với khu vực và toàn thế giới, không thể tách ra khỏi phần còn lại của thế giới. Đồng thời, tinh thần tác chiến của Chính phủ phải linh loạt, kế hoạch có thể điều chỉnh nhưng quyết tâm càng phải tăng. "Chúng ta không thể mãi mãi phòng thủ để chống COVID-19. Bên cạnh kháng thể để chống COVID-19, chúng ta phải tiêm cho xã hội này những kháng thể nữa. Đó là kháng thể lạc quan và đừng lợi dụng vào tình hình COVID-19 để tiêu cực, tham nhũng", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Khống chế dịch COVID-19 thì chúng ta đi đầu nhưng tạo ra miễn dịch cộng đồng, chúng ta có vẻ đi sau. Chúng ta đã thắng những trận đầu rất oanh liệt nhưng thắng những trận đó không quan trọng bằng thắng cả "cuộc chiến" và chỉ có thể thắng "cuộc chiến" này nếu chúng ta có được một chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả càng nhanh càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Cái đó rất quan trọng và phải là ưu tiên số 1 của Chính phủ vào thời điểm này.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề