“Uber Trung Quốc” đổ bộ thị trường chia sẻ xe đạp

Didi Chuxing quyết định tấn công sang thị trường này trong bối cảnh Trung Quốc đang "ngập lụt" trong xe đạp...
"Núi" xe đạp theo mô hình chia sẻ tại Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.
"Núi" xe đạp theo mô hình chia sẻ tại Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.

Didi Chuxing - được mệnh danh là "Uber Trung Quốc" ngày 9/1 tuyên bố đã thương thảo một thỏa thuận với startup Bluegogo và sẽ sớm tung ra dịch vụ chia sẻ xe đạp trong thời gian tới.

Được định giá hơn 50 tỷ USD, Didi hiện thống lĩnh thị trường gọi xe Trung Quốc sau khi "hất cẳng" Uber ra khỏi nước này.

Thị trường xe đạp Trung Quốc hiện được thống trị bởi 2 startup lớn đều được định giá trên 1 tỷ USD là Ofo và Mobike với hơn 90% thị phần. 10% còn lại thuộc về hàng chục startup nhỏ khác, trong đó Bluegogo.

Tuy nhiên, hàng loạt startup mọc lên và phát triển nhanh chóng khiến nước này ngập trong xe đạp, cung vượt xa cầu, khiến nhiều công ty buộc phải rút khỏi thị trường hoặc sáp nhập với các ông lớn khi nguồn vốn trở nên khan hiếm.

Việc Mobike được hậu thuẫn bởi "đế chế" công nghệ Tencent, còn Ofo có "đại gia" thương mại điện tử Alibaba đứng sau khiến các startup khác không đủ vốn để cạnh tranh.

Cách đây khoảng 1 năm rưỡi, thị trường chia sẻ xe đạp nước này có khoảng 60 startup nhưng sẽ chỉ còn chưa đầy 10 công ty tiếp tục tồn tại trong năm 2018, Yu Xue, nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu công nghệ IDC Trung Quốc nhận định.

Thương vụ này sẽ giúp Bluegogo đang trên bờ vực vài tháng nay được hồi sinh. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ hợp tác với Bluegogo, Ofo và một số đối tác khác trong tương lai, Didi cũng sẽ phát triển mạng lưới chia sẻ xe đạp mang thương hiệu riêng.

Didi cũng là nhà đầu tư lớn của Ofo và đã tích hợp dịch vụ của startup này vào ứng dụng của mình hồi năm ngoái.

Theo mô hình chia xẻ xe đạp, các startup cho phép người dùng sử dụng smartphone để mở khóa xe đạp, sử dụng xe, và trả xe tại một điểm bất kỳ. Mô hình này được đón nhận rộng rãi nhưng lại phát triển quá nhanh và lớn.

Hàng núi xe đạp mọc lên khắp Trung Quốc buộc chính phủ nước này phải đưa ra giới hạn về lượng xe tại một số thành phố để "bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và đưa ngành này phát triển theo hướng lành mạnh, trật tự".

Chuyên đề