Tỷ giá và những tín hiệu trái chiều

Dù nguồn cung ngoại tệ vẫn ổn định, nhưng thị trường ngoại hối đang có những diễn biến khó hiểu trong tuần gần đây với những tín hiệu trái chiều của tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ trên các thị trường. Điều gì đang xảy ra?

Biến động ngược chiều

Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 11, giá mua đô la Mỹ trên thị trường tự do bất ngờ tăng thêm gần 50 đồng, trong khi giá bán ra cũng tăng gần 40 đồng. Như vậy, sau ba tháng gần như đứng yên, tỷ giá trên thị trường tự do đang có dấu hiệu đi lên trở lại, với mức tăng trong tháng 11 hơn 70 đồng, là tháng có mức tăng cao thứ hai chỉ sau mức tăng 140 đồng của tháng 5-2019.

Ngày 29-11, giá mua vào đô la tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm 25 đồng, xuống 23.175 đồng, sau khi đã giữ nguyên ở 23.200 đồng suốt gần 11 tháng. Trong khi đó, giá bán ra tiếp tục điều chỉnh tăng lên theo mức biến động của tỷ giá trung tâm, do đó chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại Sở Giao dịch NHNN đã mở rộng lên 632 đồng, mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Ngay lập tức, giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng được điều chỉnh giảm theo động thái của Sở Giao dịch NHNN, dù mức độ thấp hơn. Giá mua vào và bán ra đô la trong ngày 29-11 tại Vietcombank giảm tương ứng 15 đồng và 20 đồng so với ngày trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất từ ngày 18-9 đến nay.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm vẫn cứ lầm lũi đi lên khi có đến 7 phiên tăng trong số 10 phiên cuối tháng 11, với tổng mức tăng là 27 đồng, giúp mức biến động đảo chiều từ giảm 10 đồng trong 19 ngày đầu tháng thành tăng 17 đồng tính đến phiên ngày 30-11. Động thái giảm giá mua vào tại Sở Giao dịch NHNN nhưng vẫn tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm của nhà điều hành đặt ra không ít câu hỏi cho thị trường.

Có thể thấy tỷ giá trên các thị trường đang có những diễn biến trái chiều, trong khi giá mua bán trên thị trường tự do đang tăng cùng chiều so với tỷ giá trung tâm, thì giá giao dịch tại các NHTM lại đi xuống theo giá mua vào của Sở Giao dịch NHNN, thay vì theo xu hướng của tỷ giá trung tâm như những gì đã diễn ra trong suốt thời gian qua.

Đáng lưu ý là sau những biến động vừa qua, giá mua vào trên thị trường tự do đã cao hơn giá mua vào tại các ngân hàng đến 120 đồng, mức cao nhất trong 11 tháng qua, trong khi giá bán ra cũng cao hơn xấp xỉ 15 đồng, phá vỡ chuỗi thấp hơn duy trì suốt từ đầu tháng 5 đến nay, cho thấy cầu ngoại tệ trên thị trường tự do đang khá lớn so với trên thị trường chính thức.

Những lý giải

Đầu tiên, tỷ giá trung tâm tiếp tục đi lên có thể do chịu sự ảnh hưởng từ diễn biến mất giá trở lại của nhân dân tệ, cũng như đà phục hồi của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Cụ thể, sau giai đoạn phục hồi từ đầu tháng 9 đến tuần đầu tiên của tháng 11, nhân dân tệ đã quay trở lại xu hướng giảm giá so với đô la Mỹ tính từ ngày 8-11 đến nay, khi tăng từ mức thấp 6,967 nhân dân tệ lên gần 7,034 ăn 1 đô la.

Trong khi đó, chỉ số USD Index sau khi tìm thấy đáy ở vùng 97 điểm vào đầu tháng 11, thì trong những ngày cuối tháng 11 đã leo lên lại mức cao, ở 98,5 điểm.

Dù phải điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm theo tác động từ các đồng tiền của các đối tác thương mại lớn, nhưng giá mua vào đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN lại bất ngờ điều chỉnh giảm. Diễn biến này có thể đến từ việc lượng ngoại tệ đang có nhu cầu bán cho NHNN từ các NHTM là quá lớn, nhất là khi dòng chảy từ các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua là đáng kể, với thương vụ hoàn tất của BIDV vào cuối tháng 10 là minh chứng rõ nét. Tuy nhiên, cũng không loại trừ đây là một đòn tâm lý để bình ổn thị trường tự do vốn đang đối mặt với áp lực mất giá của tiền đồng.

Trạng thái thặng dư ngoại tệ lớn tại các ngân hàng cũng được thể hiện qua động thái giảm giá mua vào của các ngân hàng, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trên thị trường vẫn đang dồi dào. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 11 tháng đầu năm ước đạt 17,6 tỉ đô la, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng giá trị góp vốn mua cổ phần là 11,2 tỉ đô la, tăng mạnh 47,1% so với cùng kỳ.

Trên mặt trận thương mại, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu tới 1,86 tỉ đô la, nâng tổng xuất siêu 11 tháng đầu năm lên mức kỷ lục 9,1 tỉ đô la. Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm nay có thể đạt 16,7 tỉ đô la, tiếp tục tăng 4,6% so với năm trước, giúp Việt Nam có năm thứ ba liên tiếp nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Dù vậy, điều này cũng không giúp tỷ giá trên thị trường tự do giữ được sự ổn định như giai đoạn trước. Ngoài những kỳ vọng về nhu cầu ngoại tệ có thể tăng lên khi đến giai đoạn cao điểm nhập khẩu hàng hóa trong tháng cuối năm, một số ý kiến cho rằng việc NHNN giảm trần lãi suất tiền gửi mới đây khiến việc nắm giữ tiền đồng gửi ngân hàng giảm sức hấp dẫn, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 bất ngờ tăng vọt đẩy lạm phát so với đầu năm tăng lên 3,78%, gần với mục tiêu 4% đặt ra cho năm nay khiến lãi suất thực tiếp tục bị thu hẹp.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền có thể tìm đến kênh ngoại hối để lướt sóng ngắn hạn, nhất là khi tỷ giá trung tâm hiện còn cách khá xa so với mục tiêu điều chỉnh 2% đề ra. Không ít người cho rằng mức độ điều chỉnh tỷ giá sẽ mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm nay. Nhìn lại quá khứ năm 2018, chỉ riêng tháng 12, NHNN đã mạnh tay tăng tỷ giá trung tâm thêm 75 đồng, là tháng tăng cao thứ hai chỉ sau mức tăng 81 đồng của tháng 4-2018.

Chuyên đề