Tuyến metro số 2 TP.HCM: Không có việc bồi thường nhà thầu 2,5 tỷ/ngày

(BĐT) - Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQLDA) vừa họp báo công bố thông tin mới nhất về tiến độ thực hiện Dự án Metro số 2, “nói lại cho rõ” về khoản kinh phí Nhà nước bồi thường cho nhà thầu 2,5 tỷ đồng/ngày vì chậm bàn giao mặt bằng.
Dự kiến, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án Metro số 2 trong Quý IV/2016. Ảnh: Tiên Giang
Dự kiến, UBND TP.HCM sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án Metro số 2 trong Quý IV/2016. Ảnh: Tiên Giang

Được cởi trói cơ chế

Đại diện BQLDA cho biết, tuyến metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) đang được nỗ lực thực hiện với tiến độ cao nhất. Với tổng chiều dài tuyến 11,322 km, trong đó có 9,3 km đi ngầm có tổng mức đầu tư 26.116 tỷ đồng, trên toàn  tuyến có khoảng 679 hộ tại 6 quận bị ảnh hưởng. Trong tháng 3 này, UBND TP.HCM sẽ có quyết định về ranh thu hồi đất của 3 nhà ga. Dự án này có 7 gói thầu gồm xây lắp và thiết bị.

Ngày 4/3/2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã họp với các nhà tài trợ (ADB, KfW). Các nhà tài trợ đề xuất UBND TP.HCM cho phép được tổ chức đấu thầu các gói thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án để tiết kiệm thời gian. Hiện nay, UBND TP.HCM đang xem xét vấn đề này. BQLDA đang chuẩn bị HSMT để khi các thủ tục hoàn thiện sẽ tiến hành mời thầu ngay.

BQLDA cho biết, Nghị định số 131/2015/NĐ-CP hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia đã thực sự “cởi trói cơ chế” cho những vướng mắc của Dự án Metro số 2 tại TP.HCM. Ngày 25/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về điều chỉnh tuyến metro số 2. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Giao UBND TP.HCM hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án theo quy định pháp luật và ý kiến của các bộ, ngành để trình thẩm định, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì thẩm định, lập báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. UBND TP.HCM vay lại toàn bộ 100% vốn ODA bổ sung; ngân sách Thành phố tự sắp xếp vốn đối ứng bổ sung cho Dự án”. Như vậy, việc điều chỉnh Dự án Metro số 2 không phải xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh của Quốc hội, mà chỉ thực hiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát vào kỳ họp cuối năm.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo BQLDA khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh dự án để trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định. Thông tin mới nhất cho biết, BQLDA đang phối hợp với các đơn vị tư vấn của Dự án để thực hiện. Dự kiến hoàn tất hồ sơ trong Quý II/2016 (sau khi thiết kế nền tảng/thiết kế cơ sở điều chỉnh được phê duyệt) để trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định trong Quý III/2016. Đây là cơ sở để UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án trong Quý IV/2016. Nội dung này cũng đã được UBND TP.HCM thông báo với các nhà tài trợ. “Không để bất kỳ lí do nào dẫn đến sự chậm trễ khi triển khai dự án điều chỉnh này”, ông Lý Khắc Huỳnh, Phó ban BQLDA cam kết. 

Không thể gọi chi phí phát sinh là bồi thường

Trả lời câu hỏi về chi phí đền bù cho nhà thầu khi chậm bàn giao mặt bằng tuyến metro số 1, ông Hoàng Như Cương, Phó ban BQLDA nhấn mạnh, về vấn đề này đang có sự hiểu nhầm. Những con số mà nhà thầu nêu ra không phải là Nhà nước phải “đền” cho nhà thầu. “Ở đây phải hiểu là chi phí phát sinh do chậm bàn giao mặt bằng. Theo đó, tại trường hợp cụ thể của Dự án Metro số 1, chúng tôi cũng đã đề nghị nhà thầu có những thống kê, tính toán cụ thể về chi phí phát sinh khi chưa có mặt bằng sạch để thi công. Thông tin Nhà nước phải “đền” cho nhà thầu mỗi ngày 2,5 tỷ đồng vì chậm bàn giao mặt bằng là hoàn toàn không chính xác.

Đến nay, nhà thầu chưa có thống kê, tính toán cụ thể về những chi phí phát sinh này. Nhà nước cũng chưa thanh toán bất kỳ khoản kinh phí nào cho việc này. Mặt khác, chúng tôi đã tạo điều kiện để các nhà thầu tính toán toàn bộ chi phí cho hoạt động của nhà thầu, bao gồm: nhân công, vật tư, thiết bị và tư vấn... trên công trường mỗi ngày. Hiện nay, nhà thầu chưa chứng minh được con số này nên không có chuyện Nhà nước phải đền mỗi ngày 2,5 tỷ đồng cho nhà thầu.

Về vấn đề an toàn lao động tại các gói thầu, đặc biệt là các gói thầu có thầu phụ tham gia, BQLDA khẳng định, với tất cả các nhà thầu, kể cả thầu phụ khi tham gia thi công các tuyến metro, đều phải cam kết chặt chẽ bảo đảm an toàn lao động. “Với những vi phạm nghiêm trọng, tái phạm thì chúng tôi sẽ xem xét để cắt hợp đồng, thay nhà thầu ngay. Do đó, mọi nhà thầu khi tham gia các gói thầu metro đều đặt yếu tố an toàn lao động lên hàng đầu”, ông Lý Khắc Huỳnh nhấn mạnh.

Chuyên đề