Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh:National Interest. |
Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước tuyên bố Su-35 Nga sẽ là mẫu tiêm kích cuối cùng mà nước này phải mua của nước ngoài, tự tin rằng nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong tương lai sẽ đủ sức đáp ứng yêu cầu về máy bay của không quân, theo National Interest.
Báo cáo của Ủy ban đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ - Trung năm 2014 cho thấy ưu thế công nghệ của không quân Mỹ trước Trung Quốc đang bị thu hẹp nhanh chóng, khi Bắc Kinh mạnh tay đầu tư phát triển các loại chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa, vũ khí không đối không, vận tải cơ.
Theo các chuyên gia, ngoài các tiêm kích Su-27, Su-30 và lô Su-35 mới từ Nga, quân đội Trung Quốc còn sở hữu khoảng 600 máy bay thuộc thế hệ hiện đại, trong đó tiêm kích J-10 và J-11 có uy lực gần tương đương phiên bản F-15E nâng cấp của Mỹ. Tiêm kích tàng hình J-20 có thể đã được đưa vào biên chế, trong khi mẫu FC-31 nhỏ gọn hơn đang được thử nghiệm.
Chuyên gia phân tích Dave Majumdar cho rằng dù Trung Quốc đang rất tự tin vào nền công nghiệp quốc phòng của mình, các tiêm kích nội địa nước này vẫn đang tồn tại một "tử huyệt" khó khắc phục, đó chính là công nghệ động cơ phản lực cùng các hệ thống cảm biến hiện đại của máy bay.
Động cơ phản lực là thành phần quan trọng nhất quyết định khả năng vận hành, tầm hoạt động và độ cơ động của các mẫu tiêm kích. Trên thế giới mới chỉ có một số nước đủ sức tự chế tạo động cơ phản lực quân sự đáng tin cậy như Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Nhật Bản, bởi việc phát triển động cơ rất khó khăn và phức tạp.
Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu động cơ phản lực nội địa nhưng vẫn chưa gặt hái được thành công như mong đợi. Bắc Kinh đã thành lập Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) với vốn đầu tư 7,5 tỉ USD cùng 96.000 nhân công để khắc phục vấn đề này. Kế hoạch phát triển 5 năm mới đây của nước này coi việc sản xuất động cơ phản lực là một trong những mục tiêu quan trọng nhất.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, mục đích của Trung Quốc khi mua lô hàng 24 chiếc Su-35S của Nga là để nắm được các bí quyết công nghệ chế tạo động cơ Saturn AL-41F1S hiện đại. Thế nhưng trang Sina hôm nay thừa nhận rằng các động cơ gắn trên tiêm kích Su-35 Nga được phủ lớp vật liệu đặc biệt chống soi chiếu và được "hàn chết" các chi tiết quan trọng, khiến các chuyên gia Trung Quốc không thể nào nắm được công nghệ cốt lõi bên trong động cơ.
Su-35 Nga trình diễn khả năng cơ động
Bởi vậy, Majumdar tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục còn gặp nhiều trở ngại trong hành trình tự sản xuất loại động cơ tiêm kích đáng tin cậy của riêng mình. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ còn phải tiếp tục dựa vào các vũ khí hiện đại hơn của Nga để nâng cấp sức mạnh không quân.
Ngoài công nghệ động cơ, các hệ thống cảm biến điện tử hiện đại còn là một điểm yếu nữa của tiêm kích Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố đã trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống tác chiến điện tử, cảm biến quang học hồng ngoại và các gói liên kết dữ liệu cho tiêm kích tàng hình thế hệ mới như J-20 và FC-31, nhưng các hệ thống này đều chưa được kiểm chứng trong thực chiến.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải cuối tháng 11/2016, Tập đoàn máy bay Thẩm Dương đã trình chiếu video khoe các tính năng của tiêm kích FC-31 như radar phân phối khẩu độ (DAS), hệ thống chỉ thị mục tiêu quang điện tử (ETOS) tương tự tiêm kích F-35 của Mỹ, cùng radar mảng pha KLJ-7 do Viện nghiên cứu Công nghệ Điện tử Nam Kinh phát triển.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu Trung Quốc đã nắm được công nghệ "Cảm biến Dung hợp" cho phép kết nối mọi thiết bị cảm biến và dữ liệu tiếp nhận vào một màn hình duy nhất hay chưa. Đây là công nghệ chỉ có trên tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ sau nhiều năm nghiên cứu phát triển với chi phí hàng tỷ USD. Bắc Kinh có thể sở hữu công nghệ này, nhưng rất khó đoán được họ sẽ mất bao lâu cho quá trình đó.
Với các điểm yếu cố hữu về động cơ và hệ thống điện tử, tiêm kích Trung Quốc chắc chắn sẽ chưa thể đọ sức ngang ngửa với các đối thủ tiềm tàng của Nga hoặc Mỹ trong tương lai gần, Majumdar nhận định.