Từ chiến thắng 30/4 đến đối tác cho nền hòa bình bền vững

(BĐT) - Đánh giá ý nghĩa lớn lao của chiến thắng 30/4/1975, tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” (1). Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã “đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội” (2).
Với Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ lần hai diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam ghi thêm dấu ấn là cầu nối kiến tạo hòa bình trên thế giới
Với Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ lần hai diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam ghi thêm dấu ấn là cầu nối kiến tạo hòa bình trên thế giới

Chủ động hội nhập quốc tế sau chiến thắng 30/4

Sau thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975, cũng vào ngày này, Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với toàn bộ Việt Nam. Trải qua nhiều bước thăng trầm trong quan hệ ngoại giao, nhất là quan hệ với Hoa Kỳ trong bối cảnh quan hệ quốc tế nhiều thách thức, bằng tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã phá thế bao vây cấm vận, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Sau 44 năm ngày Chiến thắng lịch sử 30/4, nhất là trải qua hơn 30 năm đổi mới, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu; tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hỗ trợ phát triển và tạo vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhìn lại tiến trình lịch sử từ 30/4/1975 đến nay cho thấy, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn.

Về đối ngoại đảng, từ chỗ chỉ quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 228 chính đảng tại 112 nước trên khắp các châu lục, trong đó có 59 đảng cầm quyền và 38 đảng tham chính. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương chính đảng, tham gia thảo luận việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước ta, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam.

Về ngoại giao nhà nước, từ thế bị bao vây, cấm vận ngay sau Chiến thắng 30/4/1975, đến nay, “Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước…” (3). Đặc biệt, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả và đảm nhiệm thành công nhiều vai trò chủ chốt tại các diễn đàn đa phương trên mọi cấp độ và lĩnh vực. Nổi bật, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh và tham gia ngày càng thực chất, hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn hợp tác liên khu vực và khu vực, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La - tinh (FEALAC), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)... Việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 là dấu mốc khẳng định sự thành công của công cuộc đổi mới và phát triển, hội nhập ở mức độ toàn cầu của kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã tham gia đàm phán, kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Đối tác cho một nền hòa bình bền vững - nhìn từ Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ

Bác Hồ từng căn dặn: “Đối với mỗi người có tinh thần yêu nước thì hễ việc gì có lợi cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì ra sức làm; hễ việc gì không có lợi cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì không làm; từ lời nói, việc làm đến thái độ của mọi người đều phải cho đúng” (4). Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” (5). Điều này nhằm góp phần tăng cường, mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, phong trào hòa bình trên thế giới...

Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng hàng đầu thế giới - Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ lần hai diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2/2019 vừa qua. Mặc dù kết quả không được như kỳ vọng, song sự kiện lịch sử này không chỉ cho thấy sự tin tưởng của hai nước Mỹ, Triều Tiên về khả năng bảo đảm hậu cần, an ninh của Việt Nam, mà còn khẳng định Việt Nam như một biểu tượng của cầu nối hòa bình, một điển hình của hành trình khép lại quá khứ, vươn lên từ chiến tranh, mất mát và mở cửa hội nhập, phát triển thịnh vượng; đồng thời là nguồn cảm hứng để kiến tạo hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam đã, đang và sẽ có vai trò đáng tin cậy trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có mối quan hệ hữu nghị với cả Mỹ và Triều Tiên. Với việc trở thành địa điểm gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Thủ đô Hà Nội - thủ đô duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Việt Nam ghi thêm dấu ấn như một quốc gia giành được sự tin cậy từ các bạn bè truyền thống đến những đối tác phát triển hàng đầu thế giới. Điều này càng có ý nghĩa lớn lao khi trong quá khứ từng cần sự hỗ trợ của bên thứ ba trong tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh (trong đó có cả Mỹ) thì nay Việt Nam đã trở thành một cầu nối kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và trên toàn thế giới.

Sự kiện này cũng một lần nữa khẳng định, tinh thần của Chiến thắng ngày 30/4/1975 vẫn đang lan tỏa đối với cách mạng Việt Nam, khẳng định sự thành công của đường lối Đổi mới mà Việt Nam tiến hành trong hơn 30 năm qua. Con đường đúng đắn mà Đảng lựa chọn đã trao cho đất nước những vị thế mới trong cộng đồng quốc tế và là một hình mẫu phát triển đối với nhiều quốc gia. Đó chính là những thành quả tuyệt vời nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế… được đánh giá là rất thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, là đối tác cho một nền hòa bình bền vững với tinh thần: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhưng hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình” (5)./.

Chú thích:

(1) (2) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37 (1976), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.457; tr.357-358

(3) http://tapchicongsan.org.vn/Home/Doi-ngoai-va-hoi-nhap/2018/51858/Ngoai-giao-Viet-Nam-Chu-dong-sang-tao-va-hieu-qua-nang.aspx

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.70

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.615.

Chuyên đề