Trường hợp nào đấu giá phương tiện vi phạm, sung công quỹ?

0:00 / 0:00
0:00
Hàng chục nghìn phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ, nếu quá thời hạn giải quyết, chủ xe không đến làm các thủ tục nhận lại, cơ quan công an có quyền tịch thu, đấu giá, sung công quỹ Nhà nước.

Chỉ trong nửa tháng tổng kiểm soát toàn quốc về trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 30.000 phương tiện vi phạm. Các phương tiện này có thời hạn tạm giữ nhất định.

Bên cạnh đó, cũng có quy định cụ thể về xử lý với những phương tiện vi phạm song không có ai đến nhận.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội), Nghị định số 31 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (có hiệu lực từ ngày 1.5.2020).

Theo đó, quy trình xử lý phương tiện khi không có chủ đến nhận được xử lý như sau:

- Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì Cơ quan công an ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan tạm giữ phương tiện vi phạm.

- Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định.

- Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.

Tang vật, phương tiện vi phạm sau khi bị tịch thu theo quy định và được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Thứ 1: Cơ quan công an có thẩm quyền tịch thu, xử lý phương tiện kí Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản. Tổ chức đấu giá tài sản sẽ tự thực hiện Quy chế đấu giá, niêm yết đấu giá, phát hành hồ sơ đấu giá để người có nhu cầu mua đăng ký, tổ chức cho người đăng ký mua xem tài sản đấu giá,

Thứ 2: Cơ quan công an có thẩm quyền tịch thu, xử lý phương tiện thỏa thuận với thỏa thuận với tổ chức đấu giá tài sản về Địa điểm tổ chức đấu giá (Điều 37 Luật Đấu giá tài sản 2016); Tiền đặt trước (theo Điều 39 Luật Đấu giá tài sản); Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá (theo Điều 40 Luật Đấu giá tài sản).

Thứ 3: Sau khi có kết quả đấu giá, Cơ quan công an có thẩm quyền tịch thu, xử lý phương tiện ký Hợp đồng mua bán tài sản với người trúng đấu giá; sau khi kí Hợp đồng 2 bên giao nhận tài sản và tiền.

Số tiền từ hoạt động bán đấu giá phương tiện vi phạm sẽ được Cơ quan công an có thẩm quyền sung công quỹ Nhà nước.

Chuyên đề