Đường hầm thuộc dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung ở Indonesia hồi tháng 5/2019. Ảnh:Xinhua |
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) từ lâu đã gây tranh cãi khi bị chỉ trích khiến nhiều quốc gia ngập trong nợ nần. Đây là dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường thủy từ Trung Quốc đến Trung Á, châu Phi và châu Âu. Dự án cũng nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu. Vài năm qua, các tổ chức tín dụng Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm tỷ USD khoản vay cho những nước tham gia vào các dự án trong BRI.
"Rất nhiều quốc gia tham gia sáng kiến BRI đã vay mạnh tay từ Trung Quốc để đầu tư vào các dự án mới. Tuy nhiên, đại dịch đang làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và gây phức tạp các kế hoạch trả nợ", Kaho Yu - nhà phân tích cấp cao khu vực châu Á tại Verisk Maplecroft cho biết trên CNBC.
Một số dự án lớn, như tại Indonesia, Malaysia, Campuchia, Sri Lanka và Pakistan, đã bị đình trệ do các lệnh phong tỏa, Simon Leung - luật sư tại Baker McKenzie cho biết. Đại dịch cũng khiến người lao động và vật tư khó tiếp cận các dự án.
"Doanh thu xuất khẩu giảm và chi tiêu công tăng lên vì đại dịch đã khiến nội tệ mất giá, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ bằng ngoại tệ của các nước cho ngân hàng Trung Quốc", Leung nói. Nhu cầu hàng hóa của một quốc gia giảm cũng đồng nghĩa nhu cầu với tiền tệ của nước đó đi xuống, khiến đồng tiền yếu đi.
Tất cả những việc này đang ảnh hưởng đến các quốc gia phải trả nợ bằng đôla Mỹ cho các khoản vay từ Trung Quốc. Theo hãng nghiên cứu Green Belt and Road Initiative Center, hơn 130 quốc gia đã tham gia Vành đai và Con đường. Rất nhiều nước nằm ở châu Âu, châu Phi và Trung Á.
Yu cho biết nhiều nước thu nhập thấp đã đề nghị Trung Quốc giảm nợ. Việc này có nhiều hình thức, từ miễn lãi, gia hạn kỳ thanh toán đến ngừng trả nợ trong trung hạn. Pakistan và Sri Lanka có thể là những nước thiệt hại lớn nhất và không thể trả nợ năm nay do đại dịch, giới phân tích cho biết.
Nhiều quốc gia còn ký "thỏa thuận trao đổi" với Trung Quốc. Những nước này "còn ở tình thế khó khăn hơn", Yu cho biết.
Một số khoản vay của Trung Quốc được định giá bằng dầu thô. "Do đại dịch khiến giá dầu lao dốc, các nước phải sản xuất nhiều dầu thô hơn để trả nợ. Tuy nhiên, Covid-19 cũng khiến hoạt động công nghiệp đình trệ, khiến việc sản xuất càng khó khăn. Hậu quả là, các công ty Trung Quốc có thể sẽ phải tiếp quản các dự án liên doanh, hoặc nhận thanh toán bằng tài sản", Yu nói.
Trước đây, Trung Quốc từng tiếp quản tài sản khi các nước không thể trả nợ. Ví dụ điển hình là Sri Lanka. Nước này đã chuyển giao cho Bắc Kinh một cảng chiến lược năm 2017, sau khi không thể trả nợ cho các công ty Trung Quốc.
Hãng nghiên cứu EIU cho biết Trung Quốc "đang ngày càng chịu sức ép" gia hạn khoản vay hoặc thậm chí xóa nợ. Họ cũng đã "phát tín hiệu sẵn sàng" giảm nợ cho một số nước thu nhập thấp.
"Việc này đang làm tăng khả năng các ngân hàng Trung Quốc phải xóa nợ quy mô lớn, theo các điều khoản bất khả kháng hoặc thỏa thuận khác", EIU cho biết, "Xóa nợ diện rộng có thể tạo ra tâm lý tiêu cực, kìm hãm hoạt động cho vay tại Trung Quốc nửa cuối năm nay và cả năm 2021".
Phần lớn việc cho vay được thực hiện qua 2 ngân hàng chính sách - Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Cả hai đều có "quan hệ mật thiết" với chính phủ. "Các ngân hàng này được chính phủ hỗ trợ. Vì thế, việc đàm phán lại vấn đề nợ nần sẽ có sự tham gia của yếu tố chính trị", Leung cho biết.
"Xóa nợ là vấn đề đặc biệt, nhất là khi Trung Quốc có cổ phần chiến lược tại nhiều dự án xuyên quốc gia và cũng có lợi ích kinh tế nếu chương trình này thành công trong dài hạn", ông cho biết trên CNBC.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, các nhà băng nước này cũng đã chuẩn bị cho núi nợ xấu khi người tiêu dùng và các công ty đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh chấp nhận mức nợ xấu cao để hỗ trợ các công ty bị Covid-19 tác động.