Ảnh chụp vệ tinh hôm 23/11/2016 cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần trên đá Tư Nghĩa. (Ảnh: Reuters) |
Cơ quan sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ hôm qua 14/12 cho biết đã theo dõi việc xây dựng trái phép các cấu trúc lục giác kỳ lạ của Trung Quốc trên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam kể từ tháng 6 và tháng 7 năm nay. Theo đó, ảnh chụp vệ tinh đá Gaven và Tư Nghĩa cho thấy, Trung Quốc có vẻ như đã trắng trợn lắp đặt tại đây các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) để phòng vệ trước các cuộc tấn công tên lửa hành trình. Trong khi đó, ảnh chụp vệ tinh đá Chữ Thập cho thấy các tháp dường như có gắn radar nhắm mục tiêu.
Phản ứng trước các thông tin trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố trên trang web chính thức của cơ quan này rằng việc Bắc Kinh triển khai các thiết bị quân sự phòng vệ cần thiết trên quần đảo Trường Sa tại Biển Đông là “chính đáng và hợp pháp”, theo Reuters.
Guardian dẫn lời các chuyên gia cho biết những hình ảnh vệ tinh được công bố mới đây cho thấy những tuyên bố không quân sự hóa khu vực của Trung Quốc trước đây là “dối trá”. “Bắc Kinh đang quân sự hóa quần đảo Trường Sa mặc dù họ luôn tuyên bố không làm như vậy”, chuyên gia Ashley Townshend đến từ Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Sydney cho biết.
Trong khi đó, ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định: “Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy rõ rằng mặc dù Trung Quốc khẳng định không quân sự hóa Biển Đông nhưng tiến trình quân sự hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trung Quốc cũng từng tuyên bố rằng các đảo nhân tạo này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích dân sự, tuy nhiên các quan sát viên trong khu vực không cho là như vậy”.
Theo chuyên gia Ian Storey, mục đích chủ yếu của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông là nhằm “cho phép Bắc Kinh chuyển sức mạnh quân sự tới rất gần trọng tâm của khu vực hàng hải ở Đông Nam Á, từ đó khẳng định tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán của nước này ở Biển Đông”.
Giám đốc AMTI Greg Poling đánh giá đây là hành động quân sự hóa của Trung Quốc. “Bắc Kinh có thể biện hộ rằng chúng chỉ nhằm mục đích phòng vệ nhưng rõ ràng việc lắp đặt các hệ thống súng phòng không và CIWS cỡ lớn nghĩa là đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai. Họ luôn nói rằng không quân sự hóa Biển Đông, nhưng họ có thể triển khai chiến đấu cơ và tên lửa đất đối không ngay ngày mai nếu muốn”.
Phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã cáo buộc Trung Quốc “tạo ra môi trường căng thẳng và mất lòng tin” ở Biển Đông. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc song Ngoại trưởng Bishop cảnh báo rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực sẽ “dẫn tới tai tiếng cũng như những cái giá phải trả cho bất kỳ bên nào tiến hành những hành động như vậy”.