Tránh chồng chéo, chuẩn hóa trong thanh tra về đầu tư công

(BĐT) - Mặc dù số lượng các cuộc thanh, kiểm tra hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) không nhiều nhưng được đánh giá là có nhiều tác động tích cực, lan tỏa trong việc giám sát thực thi các chính sách về đầu tư công - một trong những lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT.
Năm 2019, Thanh tra của Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các địa phương khắc phục sai sót trong quản lý đầu tư; thu hồi, giảm trừ khi thanh, quyết toán và xử lý về mặt kinh tế 234 tỷ đồng	Ảnh: Tiên Giang
Năm 2019, Thanh tra của Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các địa phương khắc phục sai sót trong quản lý đầu tư; thu hồi, giảm trừ khi thanh, quyết toán và xử lý về mặt kinh tế 234 tỷ đồng Ảnh: Tiên Giang

Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Văn Kết - Chánh thanh tra Bộ KH&ĐT về những vấn đề nổi cộm được phát hiện trong thực tiễn thanh, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đầu tư công ở các địa phương thời gian qua cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh, kiểm tra của Bộ KH&ĐT năm 2020.

Được biết năm 2019, Bộ KH&ĐT đã tiến hành 8 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, gồm 4 cuộc theo kế hoạch và 4 cuộc đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông có thể chia sẻ về một số vấn đề nổi cộm được phát hiện qua công tác thanh tra?

Thông qua các cuộc thanh tra trong năm 2019, các đoàn thanh tra của Bộ KH&ĐT đã phát hiện một số tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư công tại một số địa phương. Qua đó, yêu cầu các địa phương khắc phục sai sót trong quản lý đầu tư; đồng thời yêu cầu đối tượng thanh tra thu hồi, giảm trừ khi thanh, quyết toán và xử lý về mặt kinh tế với tổng số tiền 234 tỷ đồng, trong đó thu về ngân sách trung ương 8,8 tỷ đồng, thu về ngân sách địa phương 43 tỷ đồng, giảm trừ khi quyết toán 40,2 tỷ đồng, xử lý khác về mặt kinh tế 142 tỷ đồng. Đến nay, số tiền thu về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ và nộp ngân sách nhà nước là 8,3 tỷ  đồng.

Từ kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra của Bộ KH&ĐT thời gian qua cho thấy, công tác đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương vẫn bộc lộ nhiều sai sót từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư đến thẩm định và phê duyệt dự toán, tổ chức quản lý trong quá trình xây dựng. Thông qua thanh tra cho thấy, chất lượng của đội ngũ tư vấn vừa yếu, vừa thiếu trách nhiệm nên có sai sót trong khâu lập, thẩm định dự toán song hiện vẫn chưa có chế tài xử lý sai sót của các đơn vị tư vấn.

Bên cạnh đó, công tác giám sát, đánh giá đầu tư sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được chủ đầu tư, người quyết định đầu tư quan tâm đúng mức, nên dù có chế tài xử lý nhưng nhiều chủ đầu tư không thực hiện một cách nghiêm túc, khiến hiệu quả đầu tư nhiều dự án không được như mong muốn.

Công tác thanh, quyết toán dự án, công trình còn chậm so với quy định. Nguyên nhân của sự chậm trễ do phía chủ đầu tư dự án và nhà thầu thi công: chủ đầu tư không sát sao, bỏ bê; nhà thầu không nộp đầy đủ chứng từ, tài liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán. Việc đánh giá tác động môi trường của các dự án cũng không tuân thủ đúng quy định như: phê duyệt đánh giá tác động môi trường chậm, phê duyệt dự án đầu tư khi chưa phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Việc đánh giá năng lực của chủ đầu tư ít được quan tâm nên có công trình, dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều năm vẫn không triển khai thực hiện, có trường hợp nhà đầu tư trong thời gian dài không được chủ đầu tư giao mặt bằng sạch để thi công, cũng có trường hợp nhà đầu tư không có năng lực về tài chính nên không triển khai dự án..., nhưng cơ quan quản lý nhà nước không quyết liệt trong thu hồi dự án đầu tư.

Tránh chồng chéo, chuẩn hóa trong thanh tra về đầu tư công ảnh 1
Ông Lương Văn Kết
Một trong những vấn đề nổi cộm được quan tâm hiện nay là tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Là Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thời gian qua, tình trạng chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là một vấn đề lớn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Thực tế cho thấy, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trên cùng 1 địa bàn, cùng 1 dự án mặc dù với nhiều nội dung khác nhau nhưng gây ra tâm lý không thoải mái, bức xúc đối với đối tượng thanh tra, kiểm tra; đồng thời bản thân những cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cũng thấy ái ngại.

Hiện nay, việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán thường rơi vào quá trình thanh tra, kiểm tra dự án đầu tư cụ thể. Thanh tra mỗi bộ, ngành có một chức năng riêng, Kiểm toán Nhà nước cũng có chức năng riêng nên nội dung thanh tra là khác nhau, song tính về đối tượng thì vẫn có thể bị xem là trùng lắp, đó là chưa kể thanh tra ở các Sở, ngành của địa phương.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, thông qua sự chỉ đạo, định hướng của Thanh tra Chính phủ, trong công tác xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm, Bộ KH&ĐT đã cố gắng đưa ra những nội dung chi tiết dự kiến sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và danh mục dự án cụ thể để loại bỏ sự trùng lắp, chồng chéo có thể xảy ra. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này thì cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ để tạo sự thống nhất, toàn diện trong thực hiện chỉ đạo các nội dung cần thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên phối hợp để thống nhất xây dựng các nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán giữa các cấp. 

Bộ KH&ĐT vừa ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020. Ông có thể cho biết trọng tâm cũng như những điểm mới của công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ năm 2020 là gì?

Trọng tâm của công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020 là tập trung và bám sát các lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT. Theo đó, nội dung các cuộc thanh tra năm 2020 cũng sẽ chú trọng đến công tác quản lý nhà nước về đầu tư công và việc thực hiện các quy định mới về đầu tư của các địa phương trên cả nước. Bộ KH&ĐT sẽ thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các hành vi gây phiền hà, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động của nhà đầu tư và của doanh nghiệp.

Ngoài công tác thanh tra, để tăng cường giám sát và nâng cao chất lượng thực thi các chính sách pháp luật về đầu tư, Bộ KH&ĐT sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm nhằm tháo gỡ hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương. Vì thế, số lượng các cuộc thanh tra của Bộ (mang tính chất thanh tra chuyên ngành) sẽ giảm hơn so với các năm trước.

Thời gian qua, thông qua kết quả các cuộc thanh tra, Bộ KH&ĐT đã giúp các địa phương nắm rõ công tác quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, giúp họ thực thi các chính sách pháp luật về đầu tư, đầu tư công một cách chuẩn mực hơn, góp phần chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng của các cuộc thanh tra, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng và ban hành Sổ tay thanh tra KH&ĐT để thống nhất và chuẩn hóa các bước hướng dẫn, các nội dung cần làm trong các cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành.

Để thực hiện các cuộc thanh tra trong năm 2020, Thanh tra Bộ KH&ĐT đang xây dựng và thống nhất các nội dung biểu mẫu để gửi trước cho đối tượng thanh tra nhằm tạo thuận lợi trong việc chuẩn bị cung cấp tài liệu báo cáo phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên đề