TP.HCM xin gỡ vướng, thúc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến ngày 15/7/2020, khối lượng giải ngân kế hoạch đầu tư công TP.HCM đã đạt 45,18% kế hoạch vốn giao. UBND Thành phố phát động phong trào thi đua phấn đấu giải ngân đạt từ 80% (tính đến 15/10/2020), giải ngân cả năm đạt trên 95%. Để thực hiện được mục tiêu này, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc tại một số dự án.
Tính đến ngày 15/7/2020, khối lượng giải ngân vốn đầu tư
công của TP.HCM đạt 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao. Ảnh: Lê
Tiên
Tính đến ngày 15/7/2020, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao. Ảnh: Lê Tiên

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020. Theo đó, năm 2020, UBND Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số là 41.691,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 33.940,7 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 7.751 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/7, khối lượng giải ngân của TP.HCM đạt 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Năm 2020, trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm, là nhân tố quan trọng giúp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Do đó, TP.HCM phấn đấu giải ngân đến 15/10/2020 đạt từ 80%, cả năm 2020 đạt trên 95%. TP.HCM liên tục rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc, nhưng trong quá trình thực hiện, Thành phố cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, năm 2020, Dự án Tuyến Metro số 1 đã được bố trí kế hoạch vốn là 2.185 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 43,3% trong tổng số 5.044,991 tỷ đồng kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đã giao cho các dự án ODA của TP.HCM). Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn lại của Dự án chưa được bố trí là 3.676,6 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2021. Trường hợp được Thủ tướng chấp thuận cấp phát hết số vốn ODA còn lại của Dự án, sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai thực hiện Dự án và tăng tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2020.

Đối với Dự án Xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương (liên quan thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng), UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của Dự án để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập, đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của Dự án. Dự kiến thực hiện giải ngân cho các dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho Dự án trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

TP.HCM cho biết, một số dự án đầu tư công khác như: tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín được 50,2km/64,1km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16,3km/89,3km (18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng. TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư sớm hoàn thành tuyến Vành đai 3 trong giai đoạn 2020 - 2025. Đối với Dự án đường Vành đai 4, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn 2020 - 2025 cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giới giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.

TP.HCM cũng xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm phù hợp với các quy định liên quan.

Chuyên đề