TP.HCM tận dụng sớm cơ hội từ Luật PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua, TP.HCM đã có nhiều buổi làm việc để đánh giá lại tình hình thực hiện các dự án PPP trên địa bàn trong thời gian qua.
Các dự án PPP đang chuẩn bị đầu tư tại TP.HCM chủ yếu thuộc
lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Ảnh: Lê Tiên
Các dự án PPP đang chuẩn bị đầu tư tại TP.HCM chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị. Ảnh: Lê Tiên

TP.HCM bày tỏ quyết tâm lớn áp dụng hiệu quả, bền vững phương thức đầu tư này khi hành lang pháp lý đã hoàn thiện hơn.

Triển khai nhiều, vướng mắc cũng nhiều

Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách thuộc HĐND TP.HCM, thời gian qua, việc triển khai các dự án trọng điểm theo phương thức PPP đã góp phần giảm quá tải cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, so với nhu cầu đầu tư, việc triển khai các dự án PPP còn chậm.

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng dự án PPP triển khai trong thời gian qua. Nhưng Thành phố cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi đồng hành cùng các nhà đầu tư để đưa dự án về đích. “Về mặt khách quan là sự chưa đồng bộ, nhất quán về chính sách, điều này các địa phương khác đều gặp phải. Còn về mặt chủ quan là do việc giải phóng mặt bằng và tái định cư kéo dài khiến chi phí quản lý, trượt giá tăng lên…, dẫn đến nhiều dự án đội vốn. Bên cạnh đó, hiện quỹ đất sạch của TP.HCM không còn nhiều”, bà Thắng cho biết.

Một số dự án PPP tại TP.HCM đang thử thách lòng kiên nhẫn của các nhà đầu tư qua thời gian dài gần 10 năm theo đuổi như: Dự án đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án cầu, đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2; Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý…

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, các nhà đầu tư tại TP.HCM luôn sẵn sàng tham gia dự án PPP mà Thành phố kêu gọi. Tuy nhiên, kể từ năm 2018 đến nay, gần như các dự án PPP nói chung, dự án BT nói riêng tạm thời “ngừng trệ” chờ hướng dẫn. Thành phố đã chỉ đạo rà soát lại từng dự án. Những dự án BT trong giai đoạn sắp hoàn thành thì tiến hành bình thường; những dự án BT đã ký hợp đồng và đang triển khai dở dang tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 63/2018/NÐ-CP nhưng thanh toán theo Nghị định số 69/2019/NÐ-CP về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, nghĩa là phải đấu giá và báo cáo quỹ đất cho Thủ tướng Chính phủ. Còn những dự án đang có ý tưởng đề xuất thì dừng lại.

Tận dụng cơ hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư

TP.HCM là địa phương có những động thái sớm nhất để chuẩn bị cho giai đoạn mới khi Luật PPP được Quốc hội thông qua. Theo ông Võ Văn Hoan, “TP.HCM và các nhà đầu tư đã chờ đợi luật này từ rất lâu”.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, sắp tới, Thành phố sẽ có 94 dự án PPP được triển khai, trong đó có 21 dự án theo hợp đồng BOT/BTO, 8 dự án theo hợp đồng BTL/BLT, hợp đồng BOO có 4 dự án và hợp đồng O&M có 3 dự án…

Theo đó, các dự án đang chuẩn bị đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị. Lĩnh vực văn hóa - thể thao có 17 dự án, lĩnh vực y tế có 14 dự án, lĩnh vực giáo dục có 4 dự án và 2 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

Dù gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án chống ngập, cống kiểm soát triều cường, trụ sở cơ quan nhà nước, di dời các hộ dân ven kênh rạch... do không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc khó khả thi về mặt tài chính, tuy nhiên, HĐND TP.HCM khẳng định, đây chính là cơ hội lớn để Thành phố đầu tư có trọng điểm, lựa chọn dự án mẫu để triển khai tốt nhất. Triển khai xong dự án này mới bắt tay triển khai dự án khác, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư.

Ông Võ Văn Hoan cam kết, “TP.HCM sẽ tận dụng sớm và hiệu quả Luật PPP. Trách nhiệm của Thành phố trong thời gian tới là đặc biệt coi trọng chất lượng chuẩn bị dự án, nâng tầm công tác chuẩn bị đầu tư. Thành phố ưu tiên công tác này để làm tiền đề tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư”.

Chuyên đề