TP.HCM: Sức ép mặt bằng cho các dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đang xảy ra tình trạng chậm tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM. Cá biệt có những dự án chậm tiến độ đến 10 năm, 20 năm, đến nay vẫn chưa có giải pháp gỡ vướng. Trong khi đó, hàng chục dự án sắp được trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư với quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP.HCM phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP.HCM phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Lý do muôn thuở: mặt bằng!

Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2) vì chậm tiến độ đã phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 504 tỷ đồng lên 1.029 tỷ đồng để UBND Quận 2 có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của Dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, nút giao Mỹ Thủy chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do vướng mặt bằng. Một số hạng mục chưa thể triển khai, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn hàng năm. Tại một dự án khác là nút giao An Sương (Quận 12 và huyện Hóc Môn), nhà thầu cùng các đơn vị thi công đã ròng rã đợi mặt bằng trong vòng 1 năm mới thi công trở lại.

Dự án Xây dựng cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè đã triển khai gần 20 năm, đến nay vẫn chưa xong. Nhiều nhà dân trước ở mặt tiền đường giờ thành ở dưới gầm cầu, sinh hoạt khó khăn. Các dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long tại Quận 9 bao năm nay vẫn “nằm im”, ngổn ngang sắt thép vì nhà thầu không có mặt bằng để thi công.

Dự án Mở rộng đường Lê Trọng Tấn, nối quận Tân Phú với quận Bình Tân đến nay đã chậm tiến độ 1 năm do UBND quận Bình Tân chưa giải tỏa xong mặt bằng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, hiện nay, việc thi công nhánh cầu số 1 hướng từ Quốc lộ 1 - Tân Kỳ Tân Quý đã thực hiện 40% khối lượng công trình. Nhà thầu đang vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn giao thông và phối hợp di dời công trình kỹ thuật trong điều kiện mặt bằng chật hẹp.

Theo Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM, hiện đơn vị này quản lý 252 dự án giao thông, trong đó có 75 dự án đang tổ chức thi công, nhưng có tới 43 dự án có vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Có dự án vướng toàn bộ, không thể triển khai thi công, có dự án nhà thầu thi công kiểu “xôi đỗ”, có mặt bằng đến đâu tổ chức thi công đến đó.

Tuy nhiên, không phải dự án nào chậm tiến độ cũng đều do chậm bàn giao mặt bằng. Cụ thể như Gói thầu Xây dựng mới cầu Bưng thuộc Dự án Mở rộng đường Lê Trọng Tấn, vướng mắc mặt bằng không phải là lý do chính nhưng tiến độ thi công vẫn rất chậm. Còn Dự án Xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông mặc dù đã được bố trí đủ vốn, cơ bản không vướng mặt bằng nhưng tiến độ thi công đến nay chậm khoảng 2 tháng so với kế hoạch. 

Áp lực lớn

Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM hiện quản lý 252 dự án giao thông, trong đó có 75 dự án đang tổ chức thi công, nhưng có tới 43 dự án có vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Trong các cuộc giám sát của HĐND TP.HCM về tiến độ các dự án giao thông, mối lo ngại lớn nhất chính là áp lực quản lý khối lượng dự án khổng lồ tại Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông. Cụ thể, trong 252 dự án mà Ban đang quản lý, có 32 dự án đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.

Ngoài ra, Ban đang chuẩn bị hồ sơ để tháng 7/2020 trình HĐND, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư công 19 dự án, trong đó có 8 dự án không bị vướng mắc mặt bằng, với tổng mức đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng. Trong số này có Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, xin chủ trương đầu tư công phần giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn Thành phố. Kế đến là các dự án nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, cầu đường Nguyễn Khoái (nối Quận 1, Quận 4 và Quận 7), 2 cầu N2 và N4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

“Sắp tới, Ban tiếp tục triển khai các dự án mới, trong khi các dự án tồn đọng từ nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong. Làm tốt vai trò chủ đầu tư của hàng trăm dự án với tổng mức đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng với tiến độ cần kíp đòi hỏi trách nhiệm cao của Ban. Quan trọng nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án là tháo gỡ các thủ tục nhanh chóng, tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu triển khai thi công. Đặc biệt, các quận, huyện có dự án cần phải hoàn thành nhiệm vụ bàn giao mặt bằng”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định.

Chuyên đề