TP.HCM: Nhiều lợi thế cho dự án PPP về giáo dục

(BĐT) - Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, khả năng áp dụng hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực GD&ĐT đang có nhiều lợi thế. Đây cũng là địa phương triển khai rất nhiều mô hình PPP thành công trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực giáo dục, TP.HCM hiện có 36 dự án để chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Hà Phương
Trong lĩnh vực giáo dục, TP.HCM hiện có 36 dự án để chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Hà Phương

Đặc biệt quan tâm đến giáo dục

Số liệu của Sở GD&ĐT TP.HCM cho thấy, Thành phố đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển lĩnh vực GD&ĐT. Trung bình hàng năm, Thành phố đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.700 tỉ đồng/năm; tổng số phòng học đến nay là 45.698 phòng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết, Thành phố đã chi cho GD&ĐT hàng năm khoảng 26% tổng chi ngân sách của Thành phố. Tuy nhiên, mức chi này vẫn chưa thể đáp ứng đủ so với yêu cầu về vốn dành cho phát triển sự nghiệp giáo dục.

Mặc dù được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng trường học song tình hình đầu tư phát triển trong lĩnh vực GD&ĐT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh tăng khoảng 65.000 em mỗi năm. Do đó, để đảm bảo chỗ học cho mọi đối tượng là một thách thức và khó khăn rất lớn đối với ngành GD&ĐT Thành phố. Phương thức đầu tư theo hình thức PPP luôn được Thành phố lựa chọn.

Thời gian qua, đã có khá nhiều các nhà đầu tư thực hiện xây mới phòng học và phòng chức năng. Cụ thể: năm 2016 là 996 phòng; năm 2017 là 1.059 phòng; năm 2018 là 1.160 phòng. Đến nay đã có 13.915 phòng học và 1.693 phòng chức năng (thí nghiệm, nhà thi đấu, phòng học ngoại ngữ, tin học…) được xây dựng. Một số dự án đã được Thành phố giao đất xây dựng và mở trường như:  THCS - THPT Đinh Thiện Lý; TH, THCS và THPT quốc tế Canada; THCS -  THPT Sao Việt; TH - THCS - THPT Albert Einstein, Quận 7; TH - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm; Trường THCS và THPT Vinschool, quận Bình Thạnh; Trường TH, THCS và THPT quốc tế Á Châu, Quận 10...

Theo thống kê, từ nay đến năm 2020, toàn Thành phố còn khoảng 50% quỹ đất giáo dục chưa được khai thác đầu tư, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư đang gặp nhiều thuận lợi

Ông Lê Hoài Nam cho biết, hiện nay, khung pháp lý triển khai  áp dụng hình thức PPP đã được ban hành với các văn bản quy định chi tiết, rõ ràng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Hình thức PPP là một bước tiến đột phá. Hiện các dự án lĩnh vực giáo dục áp dụng hợp đồng BOT đang cho thấy có hiệu quả. Vị đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cũng khẳng định, so với các lĩnh vực khác, phản hồi của nhà đầu tư là rất khả quan.

Ông Nam chia sẻ thêm, trong lĩnh vực giáo dục, tại TP.HCM hiện có 36 dự án để chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP tại 24 quận, huyện. Kế hoạch năm 2019 sẽ đầu tư xây dựng mới Trường THCS Lê Văn Nghề, Quận 3 (127 tỷ đồng) và Trường THCS Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình (200 tỷ đồng) và Trường TH Trần Văn Kiểu, Quận 6 (250 tỷ đồng); Trường liên cấp EMASI - Khu đô thị Vạn Phúc, quận Thủ Đức …

Tuy nhiên, liên quan đến quỹ đất phát triển giáo dục, chính lợi thế này lại đang chứa đựng nhiều bất cập. Cụ thể, TP.HCM hiện nay còn thiếu quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa cũng như việc công khai thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư còn chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu.

Hiện nay, việc đầu tư PPP vào lĩnh vực giáo dục còn gặp trở ngại bởi tâm lý e dè của nhà đầu tư. Chẳng hạn, để thu hồi vốn nhanh cần phải tăng quy mô đầu tư dự án để có thể tăng số học sinh, tuy nhiên, phần lớn đều bị khống chế bởi các quy định tại điều lệ và tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành cũng như các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng.

Mặt khác, mức đầu tư bỏ ra ban đầu cho việc xây dựng một trường học khá lớn, do đó, để thu hồi vốn nhanh, nhà đầu tư phải đưa ra mức thu cao. Như vậy, chỉ đối tượng có điều kiện mới có thể theo học và các quận, huyện ngoại thành không phải là điểm đến đầu tư phù hợp.

Từ lý do trên, việc nhà đầu tư ưu tiên tìm kiếm địa điểm thực hiện ở những địa bàn quận trung tâm của Thành phố sẽ dễ dàng thu hút học viên cũng như sớm thu hồi được nguồn vốn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn chung, hiện nay quỹ đất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại các địa bàn quận trung tâm TP.HCM ngày càng khan hiếm do tốc độ đô thị hóa nhanh và dân cư đã dần ổn định.

Chuyên đề