TP.HCM nâng chất lượng nhân lực để hội nhập

(BĐT) - Gia nhập AEC, TPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi lao động Việt Nam phải cạnh tranh với lao động thuộc các nước thành viên khác. TP.HCM - thị trường lao động năng động nhất cả nước đang có sự chuẩn bị tích cực để nguồn nhân lực đủ sức hội nhập.
TP.HCM đang đào tạo cung cấp cho xã hội trên 300.000 lao động mỗi năm. Ảnh: LTT
TP.HCM đang đào tạo cung cấp cho xã hội trên 300.000 lao động mỗi năm. Ảnh: LTT

Chất lượng lao động chưa cao

Lực lượng lao động của nước ta hiện khoảng 53 triệu người, hàng năm tăng trung bình từ 1,5 - 1,6 triệu người. Kỹ năng văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng, thấp hơn nhiều so với Malaysia với 5,59 điểm.

Chất lượng lao động của nước ta thấp so với các nước trong khu vực là do tỷ trọng lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng qua đào tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ vẫn còn lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý và quản trị doanh nghiệp còn yếu. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, lao động tại TP.HCM đang làm các nghề đơn giản và thợ chiếm 41,4%; lao động có chuyên môn kỹ thuật là 21,1% và các loại công việc khác chiếm 33,5%. Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, Thành phố đang sở hữu một lượng nhân lực khá dồi dào nhưng chưa cao về chất lượng. Đây là vấn đề mà TP.HCM đặc biệt quan tâm và cần có nhiều biện pháp cải thiện trong quá trình hội nhập.

Hiện phần lớn lao động của TP.HCM làm việc trong khu vực ngoài nhà nước là những doanh nghiệp nhỏ và vừa với đa dạng các ngành nghề. Đặc biệt, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng một nguồn lực lao động lớn của Thành phố, đây được xem là bộ phận quan trọng giúp tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại. 

Chuẩn hóa chất lượng đào tạo nhân lực

Tại TP.HCM hiện có 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và trên 370 cơ sở dạy nghề. Theo thống kê, TP.HCM đang đào tạo cung cấp cho xã hội trên 300.000 lao động mỗi năm.

Để cung cấp ra thị trường nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu của hội nhập, TP.HCM xác định ưu tiên phát triển nhân lực cho các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Cụ thể là 9 ngành dịch vụ bao gồm: tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; giáo dục - đào tạo; du lịch; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn - khoa học - công nghệ - nghiên cứu và triển khai; thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính - viễn thông; công nghệ thông tin và 4 ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa chất,­­­­­ nhựa, cao su.

Theo đánh giá, với nhóm các ngành nghề ưu tiên phát triển nêu trên, cơ hội cho nhân lực qua đào tạo sẽ được mở rộng, từ đó nâng cao chất lượng nhân lực các ngành nghề, tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Cùng với đào tạo, công tác hướng nghiệp và dự báo nhu cầu nhân lực cũng được TP.HCM quan tâm, giúp định hướng đúng đắn cho việc cân đối cung, cầu nhân lực trên thị trường lao động. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đến năm 2025, TP.HCM sẽ có khoảng 6,2 triệu lao động, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 59,8%, công nghiệp chiếm 39,6%, nông nghiệp chỉ chiếm 0,6%.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, chuyển dịch lao động khi Việt Nam tham gia TPP, AEC là mối quan tâm hàng đầu của Thành phố hiện nay. Trong bối cảnh nguồn nhân lực của TP.HCM trẻ, dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật chưa thực sự đủ sức để hội nhập và cạnh tranh thì định hướng về nguồn nhân lực của TP.HCM để chuẩn bị hội nhập với các thị trường thương mại chính là thay đổi những bất cập trong cơ cấu nhân lực qua đào tạo, giảm dần tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Đặc biệt, TP.HCM sẽ coi trọng đào tạo trình độ ngoại ngữ, coi ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc để nguồn nhân lực thực sự đủ sức cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Chuyên đề