TP.HCM nâng chất lượng nhân lực đấu thầu

(BĐT) - TP.HCM vẫn đang dẫn đầu cả nước trong triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP...
TP.HCM đã kêu gọi đầu tư 23 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 37.801 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM đã kêu gọi đầu tư 23 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 37.801 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Để duy trì và phát huy vị thế này, TP.HCM đang nỗ lực hoàn thiện bộ máy nhân sự phụ trách về đấu thầu nhằm xóa tình trạng giao khoán cho tư vấn, cải thiện hiệu quả đầu tư và hình ảnh của Thành phố trong mắt nhà đầu tư.

Đi đầu trong triển khai PPP

Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, tình hình huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng (phân theo các nguồn vốn: ngân sách nhà nước, ODA, tín dụng, tư nhân) tăng mạnh.

Về nguồn vốn ngân sách nhà nước, tổng đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước 5 năm của TP.HCM đạt 108.249 tỷ đồng, tăng 57,7% so với giai đoạn trước. Nguồn vốn này tập trung xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không có khả năng thu hồi vốn, đầu tư cho các công trình trọng điểm.

Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, để góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, TP.HCM đã huy động các nguồn vốn khác nhau thông qua các hình thức hợp đồng BOT (cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu), BOO (Nhà máy Nước Thủ Đức), BT (các đường dẫn nối với cầu Phú Mỹ) và thông qua việc hỗ trợ lãi vay kích cầu cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực khác.

TP.HCM cũng là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các dự án PPP. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất các dự án tốt, phù hợp, có khả năng thu hồi vốn đầu tư để thực hiện theo hình thức PPP. Đồng thời, rà soát và đề xuất các dự án có thể chuyển sang hình thức PPP. Đến nay, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư tổng cộng 23 dự án PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 37.801 tỷ đồng”.

Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cũng chia sẻ, trong các dự án PPP, hình thức hợp đồng BT chiếm tỷ trọng chủ yếu (16/23 dự án), chiếm tỷ lệ 63%, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở, chống ngập và bảo vệ môi trường. Hình thức hợp đồng BOO có 4/23 dự án, chiếm tỷ lệ 21%. Hình thức hợp đồng BOT có 3/23 dự án, chiếm tỷ lệ 16%. Điều đáng nói, ở tất cả các hình thức hợp đồng, TP.HCM đã chủ động mời gọi được nhà đầu tư tư nhân tham gia vào mọi lĩnh vực, từ hạ tầng giao thông đến du lịch, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục thể thao… 

Hạn chế giao khoán cho tư vấn

Một nội dung quan trọng được TP.HCM công bố là trong thời gian tới, TP.HCM sẽ hạn chế tối đa tình trạng giao khoán cho đơn vị tư vấn và giám sát.
Nguồn vốn đầu tư trong xã hội được huy động từ nhiều thành phần kinh tế, tuy nhiên, so với tiềm năng, TP.HCM vẫn chưa khai thác hết. Do đó, cần có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Theo đó, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, sắp tới, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư theo hướng thực hiện đúng tiến độ và nâng cao chất lượng công trình. Sở này sẽ tiếp tục rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết chấm dứt đầu tư những dự án kém hiệu quả hoặc thiếu tính khả thi.

“Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, giám sát, đánh giá đầu tư, đặc biệt là quản lý đấu thầu sẽ được Thành phố thực hiện quyết liệt để nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nhà nước. Đối với từng ngành, phải thực hiện việc công bố công khai kế hoạch thanh tra, kết quả thanh tra về đấu thầu, giám sát, đánh giá đầu tư nhằm phát hiện sai sót trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế đầu tư kém hiệu quả” - ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm. Bên cạnh đó, TP.HCM khẳng định sẽ xử phạt thật nghiêm các vi phạm đối với đơn vị tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế dự toán, tư vấn giám sát… các đơn vị thi công có vi phạm về tiến độ, chất lượng tư vấn, chất lượng công trình.

Một nội dung quan trọng được TP.HCM công bố là trong thời gian tới, TP.HCM sẽ hạn chế tối đa tình trạng giao khoán cho đơn vị tư vấn và giám sát. Theo đó, Thành phố sẽ từng bước củng cố tổ chức và nhân sự có năng lực cho các Ban Quản lý dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu thầu, để thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả. “Việc báo cáo định kỳ về vốn, tiến độ, công tác đấu thầu, chất lượng thi công lên cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần theo quy định sẽ tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đối với các dự án được giao”, Sở KH&ĐT khẳng định.

Chuyên đề