TP.HCM lập lại quy hoạch, thu hút sản xuất sạch

(BĐT) - TP.HCM đang quy hoạch lại các khu đô thị, cụm trường đại học, phân khu chức năng và đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông, du lịch, công nghệ cao cùng với ưu tiên về thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm thu hút nhà đầu tư đến với Thành phố. 
Đến năm 2025, TP.HCM có khoảng 1.000 km2 đất đô thị, 500 km2 cho nội thành và 500 km2 còn lại là cơ hội cho chủ đầu tư mới. Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2025, TP.HCM có khoảng 1.000 km2 đất đô thị, 500 km2 cho nội thành và 500 km2 còn lại là cơ hội cho chủ đầu tư mới. Ảnh: Lê Tiên

Các thông tin này được nêu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2017, diễn ra sáng 11/10, do UBND TP.HCM tổ chức.

Lập lại quy hoạch thu hút nguồn lực

Ông Huỳnh Văn Thụ - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết: “Thành phố xác định mục tiêu phát triển cân bằng đô thị nên sẽ quy hoạch thành cụm, quy hoạch phân vùng theo hướng các quận 1, 2, 3, 4 và một phần quận Bình Thạnh là Trung tâm thương mại - dịch vụ; các quận huyện khác là trung tâm thứ cấp và trung tâm chuyên ngành”. Đến năm 2025, TP.HCM có khoảng 1.000 km2 đất đô thị, 500 km2 cho nội thành và 500 km2 còn lại là cơ hội cho chủ đầu tư mới.

TP.HCM cũng lập quy hoạch 5 cụm đại học lớn để di dời các trường đại học trong khu trung tâm. Còn khu sinh thái Cần Giờ được quy hoạch để phát triển du lịch kết hợp với quy hoạch 10 cụm lớn ven sông Sài Gòn khu vực huyện Củ Chi, tạo nên thế mạnh cho du lịch TP.HCM vốn đang thiếu vắng các điểm du lịch hấp dẫn. Cùng với việc chuẩn bị cho Công viên Khoa học có diện tích 100 ha tại Quận 9 thì TP.HCM cũng điều chỉnh quy hoạch hướng Đông thành đô thị khoa học - công nghệ.

Về giao thông, quy hoạch 6 tuyến metro cùng các tuyến đường sắt mang tính liên kết vùng để giảm thiểu áp lực giao thông nội đô và tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp (KCN). Khu vực ngoại thành được quy hoạch để xây dựng các khu đô thị mới, các khu nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Thành phố cũng không phát triển thêm các KCN phải xử lý nhiều về vấn đề môi trường, thay vào đó sẽ quy hoạch thêm các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin để thu hút FDI. 

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và sản xuất “sạch”

Hiện nay, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP.HCM chỉ đạt 8,5% so với quy hoạch là 23%. Để đạt tỷ lệ 23% theo quy hoạch, TP.HCM cần 300 ngàn tỷ đồng cho 200 dự án về giao thông.
Hiện nay, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP.HCM chỉ đạt 8,5% so với quy hoạch là 23%. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông. Để đạt tỷ lệ 23% theo quy hoạch, TP.HCM cần 300 ngàn tỷ đồng cho 200 dự án về giao thông. Theo đó, TP.HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông công cộng hiệu quả nhất để nâng cao giá trị quyền sử dụng đất tại các khu vực mà tuyến metro hay các trục đường lớn mà Thành phố đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dọc tuyến metro. Hiện TP.HCM đang xây dựng tuyến metro số 1 và kêu gọi đầu tư vào 5 tuyến còn lại cùng với rất nhiều hạng mục trong các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án giao thông đường sông nhằm khai thác tối đa lợi thế quỹ đất ven sông Sài Gòn, vừa phát triển du lịch vừa phát triển bất động sản.

Trước đó, TP.HCM cũng đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lớn trên khu vực các quận 2, 9 và Thủ Đức nhưng chưa được kết nối với khu vực trung tâm, điều này làm hạn chế sức hút đầu tư. Thời gian tới, TP.HCM sẽ đầu tư lớn về hạ tầng sau khi điều chỉnh quy hoạch hướng Đông thành Đô thị Khoa học - Công nghệ để thu hút các nhà đầu tư về khu đô thị này.

Trong định hướng đầu tư, TP.HCM ưu tiên cho các ngành điện - điện tử, hóa dược, cơ khí và chế biến lương thực, thực phẩm. Điều kiện ưu tiên cho 4 nhóm ngành trên là phải sản xuất “sạch”, thân thiện môi trường. Việc quy hoạch các khu công nghệ cao, công viên khoa học và xây dựng hạ tầng để kết nối đồng bộ đến các khu vực trong Thành phố cho thấy quyết tâm hướng đến một khu vực sản xuất sạch mà TP.HCM còn vắng thiếu.

Tại Hội nghị, TP.HCM đã công bố 32 danh mục kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông và khu công nghệ cao, khu du lịch.

Chuyên đề