TP.HCM: “Khát” vốn đầu tư giao thông đô thị

(BĐT) - Trong chiến lược đầu tư phát triển hạ tầng tại TP.HCM, việc xây dựng các công trình giao thông công cộng đô thị là ưu tiên hàng đầu. Song song là bài toán thu xếp vốn, trong đó vốn vay ODA là một trong những hình thức lựa chọn.
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM cần khoảng 258.963 tỷ đồng vốn cho phát triển giao thông đô thị. Ảnh: Lê Tiên
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM cần khoảng 258.963 tỷ đồng vốn cho phát triển giao thông đô thị. Ảnh: Lê Tiên

Nhu cầu cấp thiết

Mới đây, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận Danh mục các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tài khóa 2016 giai đoạn 2016 - 2018 với tổng vốn gần 7 tỷ USD và khoảng 112 tỷ yên Nhật.

Trong Danh sách các dự án đăng ký mới sử dụng vốn ODA Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018 của TP.HCM thì phần lớn vẫn là các dự án giao thông công cộng đô thị. Trong đó có thể kể các dự án xây dựng đường sắt đô thị như: Tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây, tổng vốn 1,82 tỷ USD); Tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây - Tân Kiên, 1 tỷ USD); Tuyến đường sắt đô thị số 3b (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước, 1,87 tỷ USD).

TP.HCM cần xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm, vành khuyên nối các trung tâm chính
Ngoài ra còn có các dự án: Nhà ga trung tâm Bến Thành (350 triệu USD); Tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50 - Bến xe Miền Tây mới, kết nối với Tuyến metro số 3a, khoảng 750 triệu USD); Đường trên cao tuyến số 5 (trên đường Vành đai số 2 (Quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương, 750 triệu USD); Nút giao thông An Phú (nút giao hoàn chỉnh) kết nối giữa tuyến Đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, 48,8 tỷ yên).

Theo giới chuyên gia quy hoạch, việc phát triển hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách khối lượng lớn đối với TP.HCM là nhu cầu cấp thiết và cần đặc biệt chú trọng. Nhất là đầu tư phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến xe buýt nhanh (BRT), xây dựng các tuyến vành đai, đường trên cao, các trục chính đô thị và hệ thống giao thông tĩnh theo quy hoạch.

Cần nhắc lại, trong Quyết định số 568/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 thì đến năm 2020 giao thông công cộng (gồm xe buýt, đường sắt đô thị, taxi) đảm nhận từ 20% đến 25% thị phần, đến năm 2030 đảm nhận từ 35% đến 45% thị phần và sau năm 2030 từ 50% đến 60% thị phần.

Để đạt được chỉ tiêu này thì yêu cầu đặt ra là phải thực hiện việc đầu tư phương tiện vận chuyển lớn như: Tàu điện ngầm, xe điện mặt đất, monorail. Mặt khác, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đô thị cũng hết sức quan trọng, như xây dựng các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cao tốc liên vùng, đường bộ trên cao, các trục chính đô thị, hệ thống bến bãi giao thông tĩnh nhằm giải toả áp lực giao thông vận tải cho TP.HCM.

Cụ thể, cần xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm, vành khuyên nối các trung tâm chính của TP.HCM, chủ yếu đi ngầm trong nội đô và xây dựng 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT).

Tranh thủ vốn ODA

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư các dự án phát triển giao thông công cộng đô thị của TP.HCM từ nay đến năm 2025 khoảng 258.963 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 là 151.693 tỷ đồng (ngân sách Thành phố khoảng 23.417 tỷ đồng, nguồn xã hội hoá là 10.564 tỷ đồng, nguồn vốn ODA là 117.712 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông đô thị Thành phố là 107.270 tỷ đồng (ngân sách Thành phố là 13.988 tỷ đồng, xã hội hoá là 5.869 tỷ đồng và nguồn vốn ODA là 87.413 tỷ đồng).

Còn theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại TP.HCM cần huy động các nguồn vốn như nguồn vốn của địa phương, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan, ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA), phát hành trái phiếu chính phủ.

Trong kế hoạch trọng tâm của Sở Tài chính TP.HCM năm 2016 cũng lưu ý vấn đề này khi nhấn mạnh cần tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tranh thủ tối đa vốn vay ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ (WB, AFD, ADB…) để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.

Lãnh đạo Sở Tài chính Thành phố cho biết, trong năm 2015 đã tham mưu cho UBND TP.HCM một số phương thức đầu tư để phát triển hạ tầng, trong đó có hình thức vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (vốn ODA) nhằm giảm bớt áp lực cân đối vốn đầu tư của Thành phố. Sở này cũng tập trung vốn cho các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình trọng điểm của Thành phố và vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Chuyên đề