TP.HCM: Dự án Vành đai 3 kỳ vọng thu hút nhiều nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tuyến Vành đai 3 TP.HCM là dự án kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn khu vực Đông Nam Bộ. Dù tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng với lợi thế về vị trí địa lý, dự án được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia nếu triển khai theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến hoàn thành trước năm 2020 nhưng mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác. Ảnh: Song Lê
Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến hoàn thành trước năm 2020 nhưng mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác. Ảnh: Song Lê

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An về kế hoạch cụ thể triển khai đầu tư Dự án đường Vành đai 3. Theo dự kiến của Bộ GTVT, kinh phí để đầu tư hoàn chỉnh khép kín toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM là 156.800 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư theo giai đoạn. Tuyến đường được thiết kế hiện đại với 8 làn xe cao tốc, các đường song hành tối thiểu 2 làn xe.

Tổng chiều dài tuyến Vành đai 3 TP.HCM khoảng 91,66 km. Điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tuyến đường sẽ trở thành trục kết nối chính trục tăng trưởng TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An. Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, dự kiến hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác với quy mô 6 làn xe.

Trên cơ sở quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và chủ trương ưu tiên nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP, Bộ GTVT dự kiến chia Vành đai 3 TP.HCM ra thành các dự án thành phần.

Cụ thể, đối với các dự án đường song hành, giai đoạn 1 là 51.777 tỷ đồng, giai đoạn hoàn thiện là 64.967 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 44.229 tỷ đồng. UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác. Đối với các dự án đường cao tốc, tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn hoàn thiện là 91.889 tỷ đồng và giai đoạn 1 là 30.822 tỷ đồng.

Bộ GTVT nghiên cứu phương án triển khai là 1 dự án cho toàn bộ phần đường cao tốc và 4 dự án thành phần với dự kiến chia theo các đoạn: Nhơn Trạch - Tân Vạn; Tân Vạn - Bình Chuẩn; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức.

Về nguồn vốn, Bộ GTVT đề xuất UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện đối với toàn bộ phần đường cao tốc. Với quan điểm ưu tiên triển khai đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), khi nghiên cứu toàn bộ phần đường cao tốc là một dự án thì có thể khả thi.

Trường hợp chia thành các dự án thành phần theo các đoạn như trên (giai đoạn 1 gồm: Nhơn Trạch - Tân Vạn; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức) thì đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn sẽ không khả thi khi triển khai theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vượt quá 50% theo quy định.

Bộ GTVT cho biết, đây là dự án mà thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc về Quốc hội. Do đó, chỉ còn rất ít thời gian cho 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An chuẩn bị nhằm kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10/2021). “Cuối tháng 8/2021, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ”, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư thuộc Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ GTVT, dọc tuyến Vành đai 3 hiện đều là đô thị phát triển. Do đó, nếu các địa phương đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom sẽ giúp tăng giá trị đất, phát triển khu đô thị, các cụm công nghiệp liên kết... Theo đó, việc đấu giá công khai các quỹ đất ven tuyến này kỳ vọng đem lại nguồn thu để giúp các địa phương cân đối kinh phí triển khai Dự án.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, Vành đai 3 TP.HCM là dự án kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP.HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, TP.HCM cho rằng, nếu bài toán thu phí được chuẩn bị tốt, rất nhiều nhà đầu tư sẽ quan tâm, tham gia dự án này.

Chuyên đề