TP.HCM đẩy mạnh đầu tư xe buýt chạy CNG

(BĐT) - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) và Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo “Sử dụng nhiên liệu CNG trong giao thông vận tải khu vực miền Nam”.
Xe buýt CNG không làm phát sinh nhiều khí độc và hầu như không phát sinh bụi. Ảnh: N.Ẩn
Xe buýt CNG không làm phát sinh nhiều khí độc và hầu như không phát sinh bụi. Ảnh: N.Ẩn

Nhu cầu bức thiết

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho biết, lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ở các thành phố lớn hiện nay đã vượt ngưỡng cho phép, có nơi mức độ ô nhiễm không khí đã cao gấp 5 - 6 lần so với tiêu chuẩn. Trước thực tế này, việc nghiên cứu đưa ra các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường vào phục vụ hành khách công cộng là điều cần thiết.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Lê Hoàng Minh cho biết, tại TP.HCM, hiện có khoảng 2.700 xe buýt hoạt động trên 136 tuyến đường, vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày, đa số đều là xe buýt sử dụng dầu diesel được đầu tư trong giai đoạn 2002 - 2005, đã xuống cấp và có tiêu chuẩn khí thải rất thấp.

Cũng theo ông Lê Hoàng Minh, với quyết tâm xây dựng một thành phố xanh, đẹp, năm 2013, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án sản xuất 300 xe buýt CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và giao nhiệm vụ cho SAMCO triển khai thực hiện. “Mục tiêu của Đề án ngoài việc thay thế dần các xe buýt hư hỏng, xuống cấp, không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện vận tải hành khách công cộng, mà đây còn là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến việc xây dựng hệ thống giao thông xanh xứng tầm với một thành phố văn minh hiện đại” - ông Minh nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện SAMCO cho biết, đầu tháng 3/2016, SAMCO đã đưa vào hoạt động 23 xe buýt Samco City CNG B80 với tổng trị giá 63 tỷ đồng. 23 xe buýt mới này đều sử dụng CNG và được Hợp tác xã 19/5 đưa vào hoạt động trên tuyến xe buýt số 33 (bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia) để thay thế 23 xe buýt cũ sử dụng nhiên liệu dầu diesel.

Xe buýt chạy CNG: hiệu quả và thân thiện môi trường

Về hiệu quả của xe chạy nhiên liệu CNG, các chuyên gia, nhà khoa học cho biết, qua kết quả đo đạc, đánh giá thực tế cho động cơ chạy bằng CNG, mức độ tiếng ồn giảm, thấp hơn 4 - 9 dB. Bên cạnh đó, so với động cơ xăng và dầu diesel thì sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các lượng khí phát thải CO2, NOx, HC giảm từ 53 - 63%, giúp giảm ô nhiễm môi trường không khí. Đáng chú ý, lượng chất khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí xả của động cơ chạy bằng CNG thấp. Cụ thể, khí CO gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để.

Theo đại diện Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, khí CNG là khí thiên nhiên nén mà nước ta đã khai thác, chế biến và sản xuất được. Do không có benzene và hydrocarbon kèm theo, nên khi đốt nhiên liệu này không làm phát sinh nhiều khí độc và hầu như không phát sinh bụi. Vì vậy, ưu điểm nổi bật đầu tiên của CNG là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, CNG còn nhiều ưu điểm khác như tính an toàn cao hơn, giảm hao mòn động cơ nên giúp tiết giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Cụ thể, do CNG nhẹ hơn không khí nên nếu rò rỉ ra ngoài sẽ dễ phát tán và không tích tụ như xăng hay khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), ít nguy cơ cháy nổ. Chưa kể, giá CNG cung cấp cho giao thông vận tải hiện rẻ hơn rất nhiều so với giá xăng, dầu, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

So sánh về xe sử dụng nhiên liệu diesel và CNG, đại diện Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (SAIGONBUS) cho biết, trung bình một xe tiêu thụ 39,56 kg CNG/100 km, sau một năm chạy thử nghiệm, các xe đã tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng (23% chi phí nhiên liệu) so với xe chạy dầu diesel trên cùng cự ly.

Chuyên đề