TP.HCM: Đầu tư dự án BT 10.000 tỷ đồng chống ngập

(BĐT) - Với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BT, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) vừa khởi công cuối tuần qua đang hứa hẹn giúp cho Thành phố sớm thoát khỏi cảnh “chạy lũ”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháo gỡ nút thắt triều cường

Nhà đầu tư, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) cho biết, với việc xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, với quy mô bề rộng cống từ 40 - 160 m; cộng thêm việc đặt 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/s, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24 m3/s, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18 m3/s, “nút thắt” triều cường vẫn ám ảnh người dân TP.HCM sẽ được tháo gỡ gần như triệt để.

Song song đó, việc tạo ra các hồ điều tiết có diện tích lớn ở dự án này là rất quan trọng vì đó chính là nơi dự phòng trữ nước đón mưa để chống ngập. Bản thân các hồ này sẽ tạo ra độ dốc giúp dòng nước thoát nhanh từ hệ thống cống tiêu ra kênh. Điều này cũng đồng nghĩa, vùng “lòng chảo” thuộc các quận, huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè, Tân Phú, Bình Thạnh, quận 6, quận 7, quận 8, kể cả các quận có vị trí khá cao như quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, và các quận nội đô sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, điểm nhấn của dự án này không chỉ là giải quyết triệt để việc ngập úng do triều, mà còn xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu khác, tức là tầm nhìn của dự án này đã được tiên liệu rất xa. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm thì hệ thống thoát nước đô thị phải được đồng bộ hóa để việc truyền tải nước thoát của các kênh rạch đến hệ thống các trạm bơm ra sông lớn được thông suốt.

Nhiều kỳ vọng

Sự ra đời của dự án trên với xuất phát từ những nhu cầu hết sức cấp bách ấy đang được người dân đặt nhiều kỳ vọng vì nó có ảnh hưởng lớn đến gần 6,5 triệu dân ở hữu ngạn sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, dự án này sẽ được xây dựng trong vòng 3 năm, tức từ 2016 đến 2018. Tuy nhiên, phía Trungnam Group đang hạ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, rút thời gian thi công xuống còn 24 tháng. 12 tháng còn lại, Nhà đầu tư sẽ dành cho việc vận hành thử và các vấn đề liên quan khác.

Một câu hỏi lớn được dư luận đặc biệt quan tâm là với phương thức BT, TP.HCM sẽ thanh toán dự án này như thế nào với Trungnam Group? Trước câu hỏi này, Trungnam Group cho biết, UBND TP.HCM đã thống nhất phương án là thanh toán 84% bằng tiền mặt, 16% còn lại sẽ thanh toán bằng quỹ đất. Đây cũng là một nội dung của hợp đồng BT được UBND TP.HCM và Trungnam Group ký kết.

Bình luận về “dự án 10.000 tỷ đồng” này, bên lề Kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiều đại biểu cho hay, vấn đề ngập úng, triều cường là một “căn bệnh kinh niên” của TP.HCM. Thực tế, không phải đợi đến dự án nêu trên mà trước đó UBND TP.HCM cũng đã có nhiều dự án chống ngập, tiêu thoát nước nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi, ngập vẫn hoàn ngập. Vì vậy, nếu dự án này hoàn thành đúng tiến độ, mang lại hiệu quả như cam kết, cũng giống như “ngòi nổ” của vấn đề chống ngập sẽ được tháo, còn nếu không như những gì lượng định thì hậu quả lại sẽ rất phức tạp.                 

Chuyên đề