Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty) |
Theo Independent, trước khi diễn ra lễ nhậm chức của tân tổng thống vào trưa ngày 20/1 vừa qua, tỷ phú Donald Trump đã yêu cầu các đại sứ Mỹ ở các nước trên thế giới rời nhiệm sở và không được trì hoãn vì bất kỳ lý do gì. Đây là những vị trí do Tổng thống mãn nhiệm Obama chỉ định trong nhiệm kỳ công tác của ông tại Nhà Trắng.
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump ngày 23/12/2016 cho biết sẽ không có “trường hợp ngoại lệ” nào đối với các đại sứ yêu cầu gia hạn thời gian công tác sau ngày nhậm chức của tân tổng thống, kể cả các đại sứ đang có con nhỏ. Theo đó, 80 đại sứ Mỹ ở các nước và các cơ quan trên toàn thế giới đã bị sa thải ngay lập tức theo yêu cầu của Tổng thống Trump.
Việc các đại sứ của chính quyền cũ phải rời bỏ chức vụ của mình khi tổng thống mới lên nắm quyền là điều thường xảy ra ở Mỹ. Tuy nhiên, theo New York Times, việc yêu cầu từ chức này chỉ áp dụng đối với các đại sứ chính trị của Mỹ, phần lớn trong số họ là những nhà tài trợ được bổ nhiệm nhờ có mối quan hệ gần gũi và sự tin tưởng của tổng thống. Trong khi đó, những đại sứ vốn là nhà ngoại giao chuyên nghiệp sẽ vẫn tiếp tục công việc như bình thường tại các nước sở tại.
Động thái sa thải trên của Tổng thống Trump đã dẫn tới tình trạng “khoảng trống” của nước Mỹ tại nước ngoài khi trong nhiều tháng tới, Washington sẽ không có các đặc phái viên được Thượng viện Mỹ xác nhận hiện diện ở các nước và tân tổng thống sẽ mất đi một kênh liên lạc trực tiếp kết nối giữa các nước, bao gồm cả những nước có mối quan hệ nhạy cảm với Mỹ như Đức, Anh, Canada cũng như các đồng minh thân cận.
Quy trình bổ nhiệm đại sứ Mỹ ở nước ngoài thường kéo dài và do lưỡng viện Mỹ thực hiện. Tổng thống Trump bấy lâu nay vẫn bị chỉ trích vì còn để nhiều khoảng trống nhân sự trong nội các.