Tổng giám đốc IMF “thở phào” vì Brexit hoãn 6 tháng

Các nhà lãnh đạo EU cho Anh thêm 6 tháng để xác định rõ ràng về việc sẽ ra khỏi khối như thế nào...
Người biểu tình phản đối Brexit ở London hôm 10/4 - Ảnh: Reuters.
Người biểu tình phản đối Brexit ở London hôm 10/4 - Ảnh: Reuters.

Việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) được hoãn 6 tháng đã giúp tránh xảy ra Brexit không thỏa thuận, theo đó hạn chế được tình trạng gia tăng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde phát biểu ngày 11/4.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, bà Lagarde nói rằng việc trì hoãn Brexit không giải quyết được sự bấp bênh về kết quả cuối cùng của "vụ ly dị" giữa London với Brussels. Ngoài ra, thỏa thuận hoãn Brexit không tháo gỡ được những vấn đề còn vướng mặc giữa Anh với EU.

Những đánh giá trên được người đứng đầu IMF đưa ra trong một cuộc họp báo trong khuôn khổ các cuộc gặp thường niên vào mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra ở Washington, Mỹ.

Trước đó cùng ngày, các nhà lãnh đạo EU cho Anh thêm 6 tháng để xác định rõ ràng về việc sẽ ra khỏi khối như thế nào. Tuy nhiên, kế hoạch hoãn Brexit không nói rõ Brexit khi nào sẽ xảy ra và có thỏa thuận hay không.

"Chí ít thì nước Anh sẽ không ra khỏi EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận. Sự trì hoãn này giúp các bên liên quan có thêm thời gian để tiếp tục các cuộc thảo luận, và có lẽ cũng để các thành phần kinh tế có sự chuẩn bị tốt hơn cho mọi kịch bản, nhất là các công ty công nghiệp và người lao động, để đảm bảo tương lai của mình", bà Lagarde nói.

"Brexit không thỏa thuận sẽ là một kết quả tồi tệ", bà nhấn mạnh.

Những bấp bênh xung quanh Brexit đã phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu suốt 3 năm qua, kể từ cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016, khi cử tri Anh chọn rời khỏi EU.

Phát biểu bên lề sự kiện của IMF và WB, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney nói các doanh nghiệp Anh đã và đang phải đương đầu với những thách thức rất lớn vì Brexit, khiến họ ngại đầu tư và dẫn tới những thách thức dài hạn về năng suất của nền kinh tế.

Hoãn Brexit "tạo ra một cửa sổ thời gian cho quy trình chính trị, nhất là ở Anh, để đi đến một sự đồng thuận trong Hạ viện về một dạng thỏa thuận. Chúng ta hãy chờ xem thời gian đó được sử dụng như thế nào", ông Carney nói.

Brexit chỉ là một trong những rủi ro kinh tế khiến IMF tuần này cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 xuống còn 3,3%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 2020 sẽ tăng nhẹ lên 3,6%.

Ông David Lipton, quan chức cấp cao thứ hai của IMF, nói rằng định chế này không dự báo xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng sự giảm tốc tăng trưởng đang đặt thế giới vào một trạng thái mong manh.

Căng thẳng thương mại vẫn là mối lo lớn nhất đối với quan chức đến từ các thị trường mới nổi tham dự chuỗi sự kiện của IMF và WB.

Tuyên bố chung ra hôm thứ Năm của một nhóm gồm 24 quốc gia đang phát triển nói: "Thương mại thế giới đã mang lại những lợi ích to lớn trên toàn cầu và là một động lực quan trọng cho răng trưởng". Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia nỗ lực hợp tác để xây dựng "một hệ thống thương mại đa phương hiện đại, cởi mở, dựa trên nguyên tắc, không phân biệt đối xử và bình đẳng.

Chuyên đề