Tín dụng khó tăng như kỳ vọng

Tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 4 đạt mức tăng trưởng 4% so với đầu năm, nhưng sang giữa tháng 5 lại tụt xuống còn khoảng 3,8%. Sau giai đoạn tăng nóng trong tháng cuối năm 2015, con số này có thể gây bất ngờ với nhiều người.
Khẩu vị cho vay của các ngân hàng đã thay đổi theo hướng bền vững hơn
Khẩu vị cho vay của các ngân hàng đã thay đổi theo hướng bền vững hơn

Cho vay bền vững hơn

Tính chung trong gần 5 tháng, nếu loại trừ thời điểm tháng 1, 2 là giai đoạn nghỉ lễ, tín dụng không tăng do yếu tố mùa vụ thì bình quân tín dụng toàn ngành vẫn tăng trưởng khoảng 1%/tháng. Đây là con số khá tích cực.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc một ngân hàng TMCP cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm nay không có gì đáng ngạc nhiên: “Cộng đồng doanh nghiệp như người vừa trải qua một đợt ốm dài. Kỳ vọng doanh nghiệp hấp thụ nguồn vốn lớn cũng như người mới ốm dậy phải ăn khỏe ngay là điều không thể”.

Cũng theo vị giám đốc này, “đóng góp” vào mức tăng trưởng tín dụng 16% của toàn ngành ngân hàng trong năm 2015, có không ít khoản cho vay để trả món nợ cũ của khách hàng. Vị giám đốc lấy ví dụ, trước đây, khách hàng vay 100 triệu đồng, nhưng khi đến hạn lại không có khả năng thanh toán cho ngân hàng. Vậy là, khách hàng được ngân hàng cho vay tiếp 110 triệu đồng để trả 100 triệu đồng tiền nợ gốc và 10 triệu đồng tiền lãi.

“Về mặt số liệu báo cáo, tổng thị trường có 110 triệu đồng cho vay mới, tăng trưởng 10% so với trước. Nhưng trong 110 triệu đồng này, 100 triệu đồng là của món nợ cũ, 10 triệu đồng phát sinh lãi là không có gì mới. Hình thức này, trong ngân hàng tránh không gọi là “đảo nợ”, mà gọi là “tái cấp hạn mức”. Loại trừ những khoản cho vay kiểu này, con số tăng trưởng tín dụng thực tế toàn hệ thống ngân hàng năm 2015 có khi chỉ đạt vài phần trăm. Do vậy, tăng trưởng tín dụng thấp từ đầu năm đến nay cũng là điều bình thường”, vị giám đốc này giải thích đơn giản cho số liệu năm 2015.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm 2016 là điều được thị trường lường đoán trước, khi những ngày đầu năm, NHNN đưa ra nhiều khuyến cáo với hệ thống ngân hàng, liên quan đến các lĩnh vực cho vay có nhiều rủi ro như: thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ; tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. NHNN cũng đưa ra Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó có quy định mới như nâng cao tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%...

“Những khuyến cáo của NHNN tác động đến việc cho vay của các NHTM. Theo đó, các ngân hàng có xu hướng tìm kiếm danh mục cho vay bền vững hơn”, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết. 

“Mục tiêu 18% là quá cao”

Quan sát diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng phần nào thấy được sức cầu vốn tín dụng. Lãi suất cho vay qua đêm hiện chỉ còn 1 - 2%/năm, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, thậm chí thị trường đang có vẻ dư tiền, do cầu tín dụng thấp. Việc các ngân hàng đua nhau huy động vốn bằng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, lãi suất cạnh tranh có thể hiểu là một phần do áp lực phải “tích cốc phòng cơ” để chuẩn bị lượng vốn phục vụ cho mùa cao điểm cho vay vào những tháng cuối năm, nhất là để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 16 - 18%.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố đã đưa ra khuyến nghị với ngành ngân hàng. Theo đó, NHNN cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong hệ thống, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài, dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.

Nhận định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, VEPR khuyến nghị ngành ngân hàng cần xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 15% và cần hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào khu vực sản xuất. Cụ thể, có thể xem xét điều chỉnh tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên.   

Chuyên đề