Tín dụng giá rẻ có chảy vào kênh đầu cơ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dòng tín dụng giá rẻ trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 là nguồn lực quan trọng hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, cần kiểm soát dòng vốn này để tránh tình trạng đổ vào các lĩnh vực phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản, thay vì các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản năm 2020 tăng 36,14% so với năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản năm 2020 tăng 36,14% so với năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Với đặc thù tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn và lao động, những năm trước, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn duy trì ở mức 13% - 14% để có tăng trưởng GDP 6,5% - 6,7%. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng trên tăng trưởng GDP vào khoảng 2 lần. Tính đến ngày 21/12/2020, theo thông tin từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,13%, trong khi GDP năm 2020 tăng trưởng 2,91% thì gấp 4 lần.

Trước hiện tượng này, ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Khối dịch vụ nghiên cứu thị trường thuộc FiinGroup cho rằng, có thể đặt câu hỏi về việc tiền tín dụng chảy vào các doanh nghiệp rồi từ đó chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản hay chứng khoán, tạo ra bong bóng tài sản mà không tạo ra giá trị thực sự cho tăng trưởng GDP. Nguyên nhân thứ hai có thể là dòng vốn được bơm ra để đảo nợ cho các doanh nghiệp khó khăn, dù NHNN đã có quy định chặt chẽ không cho các ngân hàng đảo nợ.

Trên thị trường chứng khoán, ngay trong những ngày đầu năm 2021, thị trường tiếp tục thăng hoa với giá trị giao dịch lên đến 15 - 16 ngàn tỷ đồng/phiên. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/1, chỉ số VN-Index chỉ còn cách đỉnh cũ (1.200) khoảng 14 điểm. Đằng sau chuỗi tăng liên tiếp vừa qua chính là sự gia tăng số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Số tài khoản mới mở trong tháng 12/2020 của nhà đầu tư cá nhân trong nước cao nhất lịch sử hàng tháng, đạt 63.075 tài khoản, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản cũng tăng mạnh thông qua nhiều kênh, trong đó nổi lên là lượng phát hành trái phiếu thành công của các doanh nghiệp trong ngành. Theo số liệu về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2020 đã có hơn 296.712 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó, doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 77.750 tỷ đồng, tăng 36,14% so với năm 2019.

Chuyên gia kinh tế Đào Phúc Tường - nguyên Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS (Singapore) đặt vấn đề, tỷ lệ dư nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết (trừ doanh nghiệp bất động sản) đa phần giảm, trong khi tín dụng lại tăng trưởng, thế thì tiền chảy đi đâu? Theo kinh nghiệm từ các chu kỳ trước khi thị trường chứng khoán bùng nổ thì lượng tiền tín dụng chảy qua doanh nghiệp vừa và nhỏ rồi chảy vào chứng khoán là hoàn toàn có thể.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện tại, lãi suất tiền gửi ngân hàng không hấp dẫn, vàng lại biến động mạnh, còn tỷ giá ngoại tệ được giữ ổn định khiến nhà đầu tư đổ tiền vào tài sản có lợi cao hơn như chứng khoán và bất động sản. Nếu tiền tiếp tục đổ mạnh vào các tài sản này trong thời gian tới thì cần kiểm soát chặt chẽ, thận trọng.

Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 vào khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cũng là một trong những ưu tiên được đưa ra.

Chuyên đề