Tìm người mua khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng của Vinaxuki

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến sáng ngày 3/7, theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, vẫn chưa có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia phiên đấu giá khoản nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên tại BIDV - Chi nhánh Tây Hồ và BIDV - Chi nhánh Hà Nội.
Một góc nhà máy Vinaxuki (Ảnh: Internet)
Một góc nhà máy Vinaxuki (Ảnh: Internet)

Toàn bộ dư nợ gốc và lãi vay được bán đấu giá tính đến ngày 31/5/2019 là 1.351.839.132.319 đồng. Trong đó, Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki là 1.306.221.911.605 đồng; Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên là 45.617.220.714 đồng.

Mức giá khởi điểm được đưa ra bằng tổng dư nợ gốc và lãi vay tính đến thời điểm 31/5/2019.

Thời gian tổ chức đấu giá vào lúc 9h00, ngày 8/7/2020 tại Công ty Đấu giá hợp danh Bến Thành – Chi nhánh Hà Nội (Phòng 403, tầng 4, tòa nhà Ocean Park, số 1 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội).

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm: (i) Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội và các máy móc thiết bị, đất thuê 49 năm, diện tích 5,3ha, nhà xưởng xây dựng trên diện tích 18.000m2; (ii) Máy móc thiết bị thế chấp năm 2009; (iii) Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; (iv) Tài sản gắn liền với đất hình thành từ vốn vay của BIDV Tây Hồ tại Vinaxuki Thái Nguyên.

Được biết, Nhà máy Vinaxuki Mê Linh khởi công từ năm 2004 và khánh thành vào tháng 5/2005, với công suất 20.000 xe/năm. Trong các năm 2006, 2007, 2008 Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 27% và 3 dòng xe con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 5%. Những năm đó Vinaxuki đều có lãi.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế năm 2010 khiến các sản phẩm ô tô của thương hiệu này rơi vào tình trạng ế ẩm, không có người mua. Vinaxuki dần rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Chuyên đề