Xuất khẩu của nhiều ngành còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: Tường Lâm |
Tận dụng khai thác hiệu quả kênh thương vụ
Tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 mới đây, nhận định về hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2015, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Hải, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra như tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 162,1 tỷ USD, chỉ tăng 7,9% so với năm 2014; xuất khẩu của nhiều ngành còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, nhập siêu cả năm 2015 vẫn ở mức cao, khoảng 3,54 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Trần Thanh Hải khẳng định, để có thể tận dụng một cách hiệu quả nhất từ hoạt động tại thị trường nước ngoài của các tham tán thương mại nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có liên quan của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và DN thực hiện hàng loạt nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu; tuyên truyền, phổ biến, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường.
Tăng cường hợp tác kết nối thông tin
Về phần mình, các tham tán thương mại khẳng định, việc tăng cường gắn kết hợp tác để kết nối chia sẻ thông tin giữa các kênh thương vụ thị trường ngoài nước với các cơ quan bộ, ngành trong nước và với các DN là điều rất quan trọng để có thể khai thác và tận dụng hiệu quả các cơ hội gia tăng xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bảo, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho rằng, thông tin và các mối quan hệ là những yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác tìm kiếm thị trường của cơ quan thương vụ, do đó theo ông Bảo cần tăng cường chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các thương vụ với các đơn vị trong Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan cũng như trực tiếp với DN và các đối tác.
Đánh giá về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư khi tham gia TPP và triển khai thực thi các FTA tới đây, ông Nguyễn Quốc Hải, đại diện cơ quan thương vụ tại Ả rập Xê út cho rằng, khi tham gia TPP, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ các lợi thế mà Việt Nam sẽ có được từ việc tham gia các hiệp định này. Riêng đối với thị trường Ả rập Xê út, sẽ có nhiều lợi thế khi triển khai thực thi các FTA và TPP. “Bản thân các nhà đầu tư Ả rập vốn là những nhà đầu tư có nguồn lực dồi dào về tài chính và rất hào phóng trong đàm phán hiện đang rất muốn chuyển đầu tư từ Trung quốc về Việt Nam. Hàng năm, tôi cố gắng đưa 4 - 6 đoàn về các tỉnh với mong muốn đầu tư dự án vừa và nhỏ vào các tỉnh này, tuy nhiên vẫn gặp một vài trở ngại trong tiếp cận thông tin” – ông Hải cho biết và đề xuất cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hỗ trợ hành chính ở các tỉnh, thủ tục 1 cửa, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, có trang web công bố các thông tin, đồng thời tránh tình trạng cắt khúc, chồng chéo trong việc đàm phán, phân số và sử dụng vốn ODA.
Liên quan đến việc chia sẻ gắn kết chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thiết lập một cơ chế hợp tác hiệu quả khai thác tối đa tiềm năng của kênh thương vụ ngoài nước trong thu hút FDI, Tham tán Thương mại tại thị trường Italy kiến nghị cần tăng cường trao đổi phân tích tình hình đầu tư, cụ thể là đầu tư nước ngoài, đồng thời ưu tiên về thủ tục cấp Giấy chứng nhận các dự án đầu tư, tăng cường phối hợp với các địa bàn có tham tán thương mại để đẩy nhanh quá trình hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài khi có dự án đầu tư tại Việt Nam.