Tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm. Ảnh: Nhã Chi |
Chưa được như kỳ vọng
Theo số liệu được Bộ Tài chính tổng hợp qua báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, hoạt động kinh doanh của phần lớn DNNN tăng trưởng thấp, hiệu quả chưa thực sự cao. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018, có 850 DN có vốn nhà nước, trong đó có 502 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 348 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản của các DN 100% vốn nhà nước là 2.935.353 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017. Tổng doanh thu năm 2018 của khối DNNN đạt 1.557.394 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2017; lãi phát sinh trước thuế đạt 165.514 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện 2017.
Vào cuối năm 2018, tổng tài sản của các DN cổ phần có vốn nhà nước đạt 776.532 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2017. Năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước đạt 643.697 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 48.816 tỷ đồng, tăng 8% so với số thực hiện năm 2017.
Về tình hình thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, Bộ Tài chính đánh giá vẫn còn chậm. Tính đến ngày 30/9/2019, có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg, trong khi số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 DN (chiếm 71%).
Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 9/2019, đã có 168 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 DNNN đã CPH, chỉ có 36 DN thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (đạt 28% kế hoạch), số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.
Liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin hoạt động của DNNN, đến ngày 30/9/2019, có 840 DNNN CPH đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán, còn 755 DNNN CPH chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ quy định về công bố thông tin.
Chú trọng nâng cao hiệu quả quản trị DNNN
Trước thực trạng hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN chưa được như kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế chính sách để DNNN hoạt động hiệu quả hơn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tích cực triển khai hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Cụ thể, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được hoàn thiện đã quy định về DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo tiêu chí Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của DN đó. Theo đó, DNNN gồm 2 loại: DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Việc sửa đổi như vậy nhằm mục tiêu là nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN”.
Liên quan đến xây dựng Nghị định của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và kiểm soát viên DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ KH&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Nghị định với các nội dung như: đối tượng; quy trình thành lập DNNN; sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, tạm ngừng kinh doanh; bán DN; giải thể DN…
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh mục DNNN thực hiện CPH đến hết năm 2020; đang tiếp tục hoàn thiện Quyết định phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (thay thế Quyết định số 1232/QĐ-TTg)…
Về quy định tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2020.