Hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí chỉ đánh giá đối với trường hợp nhà thầu sở hữu trạm trộn bê tông khiến phát sinh nhiều kiến nghị. Ảnh: Tiên Giang |
Thứ nhất, HSMT quy định nhiều trường hợp để nhà thầu lựa chọn đáp ứng, tuy nhiên vẫn dẫn tới kiến nghị của nhà thầu.
Đơn cử, tại Gói thầu số 08.XL thuộc Dự án Đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân, Hà Tĩnh (giá trị hợp đồng 97,324 tỷ đồng), HSMT quy định, đối với vật liệu bê tông nhựa (vật liệu chính), nhà thầu được đánh giá là đạt khi đáp ứng: (1) Trường hợp tự sản xuất: nhà thầu phải có trạm trộn bê tông nhựa công suất ≥ 120T/h và khoảng cách từ vị trí trạm trộn đến chân công trình ≤ 70km; kèm theo đó là tài liệu chứng minh trạm trộn đang hoạt động bình thường..; hoặc (2) Trường hợp mua/thuê trạm trộn: nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp (hoặc đơn vị cho thuê); hoặc (3) Trường hợp tự xây dựng trạm trộn: nhà thầu phải đính kèm đầy đủ các văn bản pháp lý để làm cơ sở lắp dựng trạm (bao gồm: hợp đồng thuê mặt bằng dựng trạm; chứng nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường; văn bản cho phép dựng trạm của cơ quan có thẩm quyền...).
Một nhà thầu cho rằng, đối với Trường hợp (1), qua khảo sát, trong phạm vi < 70km trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có khoảng 2 đến 3 trạm đáp ứng, do đó, khó đảm bảo tính cạnh tranh đối với nhà thầu đến từ địa phương khác. Còn tại Trường hợp (3), nhà thầu cho rằng việc “xoay xở” được đầy đủ giấy tờ pháp lý trước thời điểm đóng thầu là “bất khả thi”.
Cũng tại Hà Tĩnh, Gói thầu 01.XL thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng các xã chịu ảnh hưởng của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (dự toán 82,471 tỷ đồng) ghi nhận “kịch bản” mời thầu tương tự kể trên. Tuy nhiên, tại Gói thầu 01.XL, bê tông lại không được quy định là vật liệu chính.
Thứ hai là “cài” tiêu chí địa bàn. Có thể kể tới Gói thầu số 2 Xây dựng thuộc Dự án Trường THCS xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. HSMT yêu cầu nhà thầu phải chứng minh sở hữu trạm trộn bê tông đang hoạt động, hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung ứng trong phạm vi ≤ 20 km so với địa điểm xây dựng công trình/trong địa bàn tỉnh Hà Nam.
Một “kịch bản” khác cũng được các chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) áp dụng khá phổ biến tại nhiều gói thầu, đó là việc HSMT chỉ đánh giá đối với trường hợp nhà thầu sở hữu trạm trộn bê tông.
Nhà thầu thì nhìn nhận CĐT đang sử dụng tiêu chí này nhằm định hướng cho các nhà thầu “thân hữu”, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trong khi đó, nhiều CĐT lại cho rằng, đây là tiêu chí nằm trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, do đó, các yêu cầu được xây dựng cần chặt chẽ, nhằm mục đích lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực kỹ thuật thực hiện Gói thầu. Mặt khác, bê tông là vật liệu đặc thù, cần đảm bảo tiêu chuẩn về nhiệt độ khi đưa vào thi công. Từ đó, đòi hỏi quy định chi tiết về khoảng cách trạm trộn đến vị trí công trình.
Theo một chuyên gia đấu thầu, đối với các trường hợp HSMT đưa ra các tiêu chí mang tính cục bộ, địa phương, thì không loại trừ khả năng gây ra các hạn chế cạnh tranh.
Riêng đối với “kịch bản” thứ nhất, CĐT/BMT có lý lẽ khi xây dựng các tiêu chí mời thầu như trên. Theo đánh giá, các tiêu chí này được chủ đầu tư xây dựng khá hợp lý, đồng thời, phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chí đạt/không đạt tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT. Chia sẻ với góc nhìn của các CĐT, trước tình trạng “đội giá”, “nhiễu giá” nguyên vật liệu ngày càng phổ biến, vị chuyên gia cho rằng, CĐT càng phải chặt chẽ khi đưa ra tiêu chí đánh giá.
“CĐT/BMT nên cân nhắc quy mô, tính chất gói thầu trước khi “chắp bút ra đề”. Nhất là đối với những gói thầu không quy định bê tông là vật liệu chính, khối lượng vật liệu bê tông cần sử dụng trong thi công không lớn, không đòi hỏi cao về tính đặc thù của vật liệu, để không “mang tiếng” làm khó nhà thầu”, vị chuyên gia khuyến nghị.