Tiếp tục tăng giá xăng dầu: Lạm phát có đáng lo?

(BĐT) - Hai đợt tăng giá xăng dầu mạnh trong tháng 4 cùng với đợt tăng giá điện trong tháng 3 sẽ gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng này. Thị trường xăng dầu thế giới ngày 17/4 bắt đầu có tín hiệu giảm nhiệt là yếu tố tích cực cho công tác điều hành giá. Bên cạnh đó, các giải pháp điều hành chặt chẽ sẽ giúp CPI năm nay được kiểm soát tốt hơn.
Giá xăng dầu đã có 2 đợt tăng trong tháng 4 với mức tăng gần 2.700 đồng/lít xăng RON 95, 2.480 đồng/lít xăng E5 RON 92. Ảnh: Lê Tiên
Giá xăng dầu đã có 2 đợt tăng trong tháng 4 với mức tăng gần 2.700 đồng/lít xăng RON 95, 2.480 đồng/lít xăng E5 RON 92. Ảnh: Lê Tiên

Vật liệu xây dựng tăng giá, vận tải cầm cự

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hà Nội cho biết, xăng dầu là đầu vào thiết yếu của ngành taxi với tỷ trọng khoảng 30 - 40% tổng chi phí vận hành, nhưng đến thời điểm này chưa doanh nghiệp nào quyết định tăng giá. Trước diễn biến tăng giá xăng hai đợt vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội kêu gọi các thành viên cẩn trọng xem xét các yếu tố trước khi quyết định tăng giá.

Thực tế, quyết định tăng giá dịch vụ vận chuyển cũng không hề dễ dàng với các hãng taxi vì họ phải làm một loạt thủ tục và phải cân đong nhiều yếu tố khi sức ép cạnh tranh chưa hề giảm. “Để tăng giá, doanh nghiệp phải kê khai với cơ quan quản lý giá trước 3 ngày. Sau đó, tất cả các xe phải dừng chạy và dành thời gian điều chỉnh đồng hồ, tháo niêm phong kẹp chì thiết bị này, kiểm định thiết bị, thay bảng giá được dán bên ngoài xe. Nhiều bộ phận khác cũng phải bắt tay làm việc cùng để hoàn thiện công việc này. Phải tốn thời gian, chi phí. Mặt khác, tình hình cạnh tranh trên thị trường taxi đang rất gay gắt nên các hãng đều phải nhìn trước ngó sau rất cẩn trọng trước khi quyết định tăng giá. Phần lớn các doanh nghiệp đang cố chịu đựng”, ông Hùng nói.

Tình trạng cầm giá chịu đựng cũng xảy ra tương tự với các doanh nghiệp vận tải. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: “Các doanh nghiệp vận tải chưa có quyết định tăng giá vì còn phải xem động thái của các doanh nghiệp khác. Đặc biệt, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng khách giảm mạnh so với các năm trước. Do đó, nếu tiếp tục tăng giá, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khách hàng. Chúng tôi cũng chưa biết sẽ tiếp tục chịu được đến bao giờ, nhưng đây là khó khăn chung của toàn thị trường nên các doanh nghiệp sẽ phải tính toán nhiều, không chỉ bài toán lỗ lãi mà cả khả năng trụ lại thị trường để tiếp tục cạnh tranh”.

Trên thị trường vật liệu xây dựng, từ cuối tháng 3, nhiều mặt hàng đã tăng giá đáng kể, chủ yếu do giá điện tăng. Theo đó, giá xi măng tăng khoảng 20.000 - 50.000 đồng/tấn, giá thép tăng khoảng 100.000 - 200.000 đồng/tấn, tùy loại. 

Không quá lo ngại nhưng không nên chủ quan

Giá xăng dầu đã có 2 đợt tăng trong tháng 4 với mức tăng gần 2.700 đồng/lít xăng RON 95, 2.480 đồng/lít xăng E5 RON 92, dầu diesel tăng gần 2.500 đồng/lít, dầu mazut tăng khoảng 1.500 đồng/kg. Từ năm 2012 đến nay, CPI tháng 4 luôn ở mức dưới 1% so với tháng trước đó. Với 2 đợt tăng giá xăng dầu đáng kể nêu trên, CPI tháng 4 năm nay sẽ chịu sức ép đáng kể.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore - căn cứ để cơ quan điều hành giá tính toán điều chỉnh giá mặt hàng này trong nước - đã tăng hơn 33%. Giá dầu thô thế giới cũng có mức tăng khoảng 30%. Đây là những con số đáng chú ý và gây lo ngại về khả năng kiềm giữ đà tăng giá của các mặt hàng khác.

Về sức ép của giá xăng, dầu với CPI năm nay, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, cơ quan điều hành giá đã tính tới 3 kịch bản CPI năm 2019 với các mức độ tăng giá xăng, dầu khác nhau.

Một là, giả thiết giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5%, CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Kịch bản thứ hai là giá xăng dầu thế giới tăng 10%, CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%. Với kịch bản cuối cùng, giá xăng, dầu thế giới tăng 15% có thể sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8 - 3,9%. Các kịch bản này đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá để có giải pháp cụ thể, giữ ổn định CPI.

Phân tích về diễn biến trên thị trường xăng dầu và tác động với CPI, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, 2 lần tăng giá xăng dầu trong tháng 4 và đợt tăng giá điện trong tháng 3 sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến CPI tháng 4 năm nay và nhiều khả năng chỉ số này tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Về CPI cả năm, theo ông Long, yếu tố có tác động lớn nhất là giá xăng dầu đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt trên thị trường thế giới do nguồn cung hàng hóa đã bớt căng thẳng. “Không quá lo ngại về nguy cơ lạm phát cao. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan và cần có các giải pháp ứng phó kịp thời. Đó là phải thực hiện tổng hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ. Về tài khóa, cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn thu và chi ngân sách. Về điều hành giá, cần cân nhắc thời điểm tăng giá các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, phải đảm bảo cung cầu hàng hóa và tránh hiện tượng tăng giá kiểu “tát nước theo mưa”. Về chính sách tiền tệ, chú trọng việc kiểm soát thị trường ngoại tệ, biến động lãi suất để có can thiệp kịp thời” - ông Long phân tích.

Chuyên đề