Tiềm năng và thế mạnh trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Myanmar còn rất lớn

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, tiềm năng và thế mạnh trong hợp tác kinh tế của hai nước còn rất lớn, nhất là các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, sáng 26/8/2017, tại Yangon, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc gặp. Ảnh
Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, sáng 26/8/2017, tại Yangon, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc gặp. Ảnh

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, sáng 26/8, tại Yangon, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Myanmar.

Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và nhiều quan chức chính phủ hai nước.

Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, hai bên đã nhất trí thiết lập Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, tạo cơ hội mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Myanmar phát triển toàn diện hơn, đặc biệt là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng khá, tình hình kinh tế - xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Phó Thủ tướng nêu rõ, là nước đang phát triển, Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác, giúp đỡ, những kinh nghiệm và nguồn lực từ bên ngoài, mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hợp tác làm ăn.

Trong những năm qua, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar có chiều hướng tăng. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ chín và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy của Myanmar.

Tính đến đầu năm 2017, Việt Nam có 59 dự án đầu tư vào Myanmar với vốn đăng ký 1,42 tỷ USD, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp, tổng công ty lớn như FPT, BIDV, VIETTEL… Hai nước có thêm những đường bay thẳng, tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch giữa hai nước.

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương mới đạt 500 triệu USD.

Phó Thủ tướng cho rằng, tiềm năng và thế mạnh trong hợp tác kinh tế của hai nước còn rất lớn, nhất là các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có thể bổ sung cho nhau, như ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông, khai thác khoáng sản, nông - lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng...

Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh có thể xuất khẩu sang Myanmar và ngược lại Myanmar có thể xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng thế mạnh của mình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về môi trường pháp lý và hạ tầng cơ sở cho đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Myanmar.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong khuôn khổ quan hệ mới vừa được thiết lập, hai bên cần đẩy mạnh nghiên cứu để sớm hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai nước đẩy mạnh đầu tư vào thị trường của nhau, đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa khuôn khổ Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện, đưa mối quan hệ hai nước đi vào thực chất, hiệu quả.

Phó Thủ tướng mong muốn Chính phủ và các doanh nghiệp Myanmar ghi nhận sự đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar.

Tại cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp hai nước bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo hai nước và cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, làm ăn kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, thực hiện hóa những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Chuyên đề