Thực thi chính sách vẫn là khâu yếu

(BĐT) - Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ những đường hướng và giải pháp rất tốt, song KTXH còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Các đại biểu chỉ rõ, vấn đề nằm ở khâu thực thi chính sách, giải pháp.
Thu ngân sách nhà nước vượt 8% nhưng con số vượt thiếu bền vững, các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp không đạt kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Thu ngân sách nhà nước vượt 8% nhưng con số vượt thiếu bền vững, các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp không đạt kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều khoản thu quan trọng không đạt

Ngày 22/5, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết, báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều hoàn thành, có nhiều chỉ tiêu vượt hơn so với báo cáo trước đây. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao nhất trong 10 năm qua, thu ngân sách nhà nước vượt 8%, giá cả, lạm phát đạt mục tiêu của Quốc hội… Đại biểu Hữu Toàn nhấn mạnh, kinh tế năm 2018 cơ bản đạt mục tiêu kép khi vừa tăng trưởng vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, là nền tảng cho kinh tế năm 2019 phát triển.

Bày tỏ đồng thuận với nhiều kết quả khả quan đã đạt được trong thời gian qua, nhưng đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, cần nhìn thẳng vào bức tranh chân thực của KTXH để có những dự báo, giải pháp và thực thi phù hợp.

Theo ông Sinh, thu ngân sách nhà nước vượt 8% nhưng con số vượt thiếu bền vững. Ông Sinh phân tích, thu ngân sách vượt là do tăng thu từ nhà đất 74.000 tỷ đồng (vượt 71% dự toán), do khai thác dầu thô (tăng 700.000 tấn) và giá tăng làm cho khoản thu từ dầu thô vượt 84% dự toán. Trong khi đó, các khoản thu nội địa quan trọng của nền kinh tế lại không đạt kế hoạch, đó là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 91,9% dự toán; thu từ doanh nghiệp FDI đạt 83,6% dự toán, thu từ doanh nghiệp dân doanh đạt 96,2% dự toán.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: “Kết quả này phản ánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao và việc quản lý thu cần phải xem xét”.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ tâm đắc với định hướng của Chính phủ khi đặt ra vấn đề phải thúc đẩy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân. Bởi từ trước đến nay, chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là trụ cột của tăng trưởng, nhưng kinh tế tư nhân chung chung là chưa đủ, mà phải dựa vào các tập đoàn lớn, khi đó mới tạo ra được các chuỗi giá trị và thực sự mang lại đóng góp cho tăng trưởng. Còn nếu chỉ phát triển kinh tế tư nhân thông thường, gia công cho các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài thì phần “giá trị mới” rất thấp, không tạo ra được tăng trưởng, ông Cường phân tích.

Dựa trên định hướng này, theo ông Cường, cần lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất, cần xem lại việc hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân xuất phát từ đâu, dựa vào cái gì? Thực tế, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước hiện nay phần lớn dựa vào khai thác các yếu tố lợi thế như tài nguyên, bất động sản, thương mại…, mà đây là con đường các nước phát triển đã thực hiện từ thế kỷ 15, 16. Điều quan trọng là các tập đoàn kinh tế tư nhân phải dựa vào khu vực sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị. Thứ hai, cần quan tâm đến việc chọn lọc trong thu hút đầu tư nước ngoài để tránh cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. 

Giải ngân đầu tư công chậm

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chia sẻ nỗi trăn trở về con số 39 bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%; 20 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% trong 4 tháng đầu năm 2019. Bà Mai nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công không những không được khắc phục mà còn trì trệ hơn. Nguyên nhân chính là do năng lực thực hiện của các tổ chức, cá nhân được giao vốn còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đặt vấn đề, một số ý kiến cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có phần nào đó liên quan đến quy định của Luật Đầu tư công. Đại biểu này khẳng định: “Ở góc nhìn của tôi, Luật Đầu tư công chỉ tác động mạnh mẽ tới phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn khi vào kế hoạch hàng năm thì việc triển khai thực hiện lại liên quan nhiều tới quy định khác như: Luật Xây dựng, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tổ chức thi công”. Cái gốc của vấn đề, theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, nằm ở khâu chuẩn bị dự án kém chất lượng, dẫn đến việc triển khai thực hiện có vấn đề như hiện nay.

Bàn thêm về các giải pháp được Chính phủ đưa ra để hoàn thành các chỉ tiêu trong các tháng còn lại của năm 2019, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, những giải pháp rất căn cơ và được đưa ra dựa trên cơ sở thực tiễn cao. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu các giải pháp cho Chính phủ rất tốt, nhưng tôi vẫn thấy khâu tổ chức thực hiện có vấn đề. Tôi mong rằng, thời gian tới, Chính phủ chú trọng hơn nữa về kỷ cương thực thi của đội ngũ cán bộ” - ông Sinh nhấn mạnh.

Chuyên đề