Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc). Ảnh: VGP |
Tại buổi tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp tích cực của nền kinh tế Hongkong vào thành công của Năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả đáng khích lệ trong hợp tác giữa hai bên, Thủ tướng khẳng định Khu hành chính đặc biệt Hong Kong là một trong những đối tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng hàng đầu của Việt Nam; mong muốn trong nhiệm kỳ này của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vị trí của Hongkong với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ 9 và đối tác FDI lớn thứ 6 của Việt Nam sẽ còn được nâng cao hơn nữa.
Để tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực của Hongkong mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như dịch vụ vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến… trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; mở rộng hợp tác về tài chính tiền tệ, chứng khoán, ngân hàng…
Ảnh: VGP
Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hongkong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn; bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đánh giá cao công tác tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017.
Đồng thời, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng khẳng định Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong coi trọng phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục, du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát huy nội lực, kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ảnh: VGP
Cảm ơn đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các hoạt động của IMF trong thời gian qua, bà Christine Lagarde cho biết, ngoài hỗ trợ về tài chính, IMF đang nghiên cứu đẩy mạnh hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật và đào tạo.
Khẳng định hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về giảm bất bình đẳng xã hội và tăng cường hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, bà khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế.