Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ APEC (NCAPEC). Ảnh: VGP |
Thủ tướng hoan nghênh bà Monica Whaley và đoàn doanh nghiệp thuộc NCAPEC đến Việt Nam và tham dự các sự kiện tại Tuần lễ Cấp cao APEC, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam muốn hợp tác với Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá cao NCAPEC đã có nhiều đóng góp thúc đẩy hợp tác và quan hệ hai nước thời gian qua.
Thủ tướng mong muốn NCAPEC đóng góp vào mối quan hệ hai nước thông qua thúc đẩy các hợp tác thương mại và đầu tư; chuyển giao công nghệ, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thuận lợi ở Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Chính phủ và các cấp chính quyền luôn lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Thông tin về việc Việt Nam đang trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, kể cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, ngân hàng, tài chính, Thủ tướng cho rằng đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Chủ tịch NCAPEC vui mừng thông báo với Thủ tướng về việc nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của các CEO Việt Nam, là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thời gian tới.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, trong đó có những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm và uy tín thế giới. Một số doanh nghiệp cho biết, không chỉ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mà còn đang nỗ lực trở thành cầu nối để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó có việc giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam tới các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Các nhà đầu tư cũng đánh giá cao Việt Nam đang xây dựng các chính sách để tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong tiến trình này.
Hoan nghênh các nhà đầu tư Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn lớn, cần tăng cường khai thác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT). Ảnh: VGP
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao việc Ủy ban CCPIT thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham dự và đóng góp tích cực vào các hoạt động Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, trong đó có Hội nghị VBS; cũng như phối hợp, hỗ trợ các đối tác Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt-Trung.
Khẳng định Trung Quốc là láng giềng gần gũi và là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hiện chưa được khai thác hết. Do đó, vai trò của Ủy ban CCPIT rất quan trọng, nhất là trong việc thúc đẩy kim ngạch thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư cùng có lợi tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và chiến lược của Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Ủy ban CCPIT tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, nhất là VCCI tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường quan hệ kinh tế Việt-Trung. Khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông, lâm, thuỷ hải sản, góp phần thúc đẩy thương mại hai nước phát triển ổn định, cân bằng và bền vững. Thúc đẩy các doanh nghiệp có uy tín và thực lực của Trung Quốc đầu tư các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam trong cơ sở hạ tầng, giao thông.
Ông Trần Châu nhất trí cho rằng quan hệ thương mại của hai nước còn tiềm năng rất lớn. Ông khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư thời gian tới. Phó Chủ tịch CCPIT cho biết, ông và các doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm đến bài phát biểu sáng nay của Thủ tướng tại VBS, trong đó, ông ấn tượng với việc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức cao trong 10 năm qua.
“Tiềm năng phát triển thương mại của hai nước còn rất lớn. Chúng tôi nhất định sẽ khai thác tốt hơn nữa tiềm năng này”, ông Trần Châu nói và cho biết, sẽ thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa từ phía Việt Nam để cân bằng thương mại hai nước. Không những thế, sẽ tăng cường hợp tác đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết sẽ chọn Việt Nam là điểm đến để mở rộng đầu tư, tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Martin Nordenstahi, phụ trách khu vực châu Á, Tập đoàn Abbott. Ảnh: VGP
Thủ tướng đề nghị Abbott tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư gắn với ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại trong lĩnh vực y tế, dược phẩm với nhiều sản phẩm thuốc có chất lượng tốt, giá thành rẻ. Thủ tướng cũng khuyến khích Abbott đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thủ tướng giao Tổ Tư vấn cải cách hành chính của Chính phủ tiếp thu ý kiến tham vấn của phía Tập đoàn Abbott trong việc hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, ông Martin Nordenstahi cho biết, các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Abbott đang quan tâm và mong muốn mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hiện Abbott cũng đang triển khai hợp tác với Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Abbott cam kết giúp Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh mở, thân thiện thông quan các hoạt động tham vấn xây dựng chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Liam Mallon, Chủ tịch Công ty Exxon Mobil Development. Ảnh: VGP
Thủ tướng mong muốn Exxon Mobil cùng các doanh nghiệp Mỹ đóng góp tích cực vào thảo luận tại APEC 2017, có tiếng nói thúc đẩy liên kết kinh tế trong khu vực.
Đề cập đến những trao đổi, thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Mỹ với nhiều biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn phát triển quan hệ nhiều mặt với Mỹ, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Chia sẻ những cảm nhận khi quay trở lại Việt Nam, quốc gia giàu tiềm năng phát triển, ông Liam Mallon cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư; nhờ đó ngày càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài; bày tỏ mong muốn muốn đầu tư, sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Ông Liam Mallon tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Robert E. Moritz Chủ tịch toàn cầu hãng kiểm toán PwC. Ảnh: VGP
Thủ tướng đề nghị PwC phối hợp quảng bá kinh tế Việt Nam đến giới doanh nhân quốc tế, tích cực kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp quốc tế. Cùng với đó là tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam tiếp cận thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế.
Nhấn mạnh đến Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, kể cả các tổng công ty, tập đoàn lớn trong các lĩnh vực quan trọng như hàng không, viễn thông, cơ sở hạ tầng, Thủ tướng cho rằng, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là việc tham gia trở thành cổ đông chiến lược.
Tại buổi gặp gỡ, ông Robert E. Moritz bày tỏ vinh dự là một trong những nhà tài trợ của Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Đánh giá cao việc Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC, ông Robert E. Moritz tin tưởng với sự góp mặt của những nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và sự tham dự của CEO nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, Việt Nam sẽ tổ chức thành công hội nghị đối ngoại quan trọng này.
Theo ông Robert E. Moritz, qua khảo sát của PwC, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới đánh giá cao nỗ lực đổi mới, cải cách của Việt Nam, nhất là trong thành tựu phát triển kinh tế-xã hội; khuyến cáo Việt Nam cần chú ý rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp, người dân với chính quyền các cấp.
PwC sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình cải thiện môi trường đầu tư, để môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.