Thu chi NSNN năm 2015: Vẫn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 7.200 tỷ đồng

(BĐT) - Đầu giờ chiều 22/5, Quốc hội đã lắng nghe các cơ quan liên quan trình bày về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Riêng về chi ngân sách nhà nước, 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới; một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSTW và TPCP đến hết kế hoạch 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043,798 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm
Nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSTW và TPCP đến hết kế hoạch 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043,798 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm

Chưa khắc phục hữu hiệu nợ xây dựng cơ bản

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2015 là 308.853 tỷ đồng, tăng 37,3% so với dự toán. Trong đó quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương tăng 35,6%, ngân sách địa phương tăng 37,9%.

Thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà  nước năm 2015, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư XDCB vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục hữu hiệu, sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSTW và TPCP đến hết kế hoạch 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043,798 tỷ đồng, 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới 7.227,3 tỷ đồng, nợ đọng XDCB của một số địa phương còn lớn. Riêng thực hiện chương trình nông thôn mới, đến ngày 31/01/2016, có 53 tỉnh, thành phố phát sinh nợ đọng XDCB 15.218,9 tỷ đồng. Hiện nay, việc giải ngân để thanh toán nợ đọng XDCB trong thực hiện nông thôn mới đang vướng mắc do không được phép thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau khi Luật đầu tư công có hiệu lực thi hành. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách để tháo gỡ, bảo đảm đẩy nhanh thực hiện chương trình nhưng không làm phát sinh nợ đọng mới. 

Bên cạnh đó, công tác chi NSNN được UBTCNS đánh giá chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không  đạt dự toán. Công tác phân bổ, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển chưa kịp thời, chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật NSNN. Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.

Phê chuẩn bội chi ngân sách hơn 263 nghìn tỷ đồng

Dựa trên Báo cáo của Chính phủ, ý kiến thẩm tra, UBTCNS đã đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015 với một số nội dung cụ thể.

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước).

Tuy nhiên, UBTCNS đã chỉ rõ 3 vấn đề nổi lên trong thu ngân sách nhà nước. Theo đó, một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc

Hầu hết các khoản thu NSNN năm 2015 đều đạt và vượt dự toán, một số khoản thu thuế, phí vượt cao so với dự toán đầu năm; chỉ có 2 khoản thu không đạt dự toán là thu từ dầu thô (đạt 72,6% dự toán), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 99% dự toán), song đây là 2 khoản thu có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015.

Số vượt thu trong năm 2015 chủ yếu là do tăng thu từ tiền sử dụng đất; thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước và thu từ đất đai, tài nguyên còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN, thể hiện tính thiếu bền vững và chưa xuất phát từ nội lực phát triển của nền kinh tế.

Về tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước, UBTCNS đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016).

Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương). Bội chi NSNN năm 2015 được Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,10% GDP thực hiện.

Nguồn bù đắp bội chi NSNN sẽ lấy từ vay trong nước là 195.900 tỷ đồng, vay ngoài nước là 67.235 tỷ đồng.

Chuyên đề