Yêu cầu minh bạch trong quản lý nợ công

(BĐT) - Vay nợ thế nào, chi tiêu ra sao để gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai không chồng chất? Giải pháp quan trọng, theo nhiều ý kiến, là không nên vay “bằng được theo kế hoạch” và cũng không nên chi bằng hết mà không tính đến hiệu quả.

Cơ cấu chi ngân sách cần có cải thiện theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Ảnh: Lê Gia Khoa

Không nên vay cho đạt kế hoạch

Kế hoạch vay, trả nợ công là công cụ quản lý tốt, giúp Nhà nước chủ động hơn trong việc bố trí các nguồn tài chính. Tuy nhiên, quy định lập kế hoạch cũng có thể tồn tại một số điểm hạn chế trong điều hành như cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành vay theo đúng số tiền đã định sẵn trong kế hoạch. Thực tế cho thấy, nhiều dự án đầu tư công đã bị chậm tiến độ trong thời gian qua dẫn đến tình trạng tiền vay lưu ở Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong khi lãi vay vẫn phải trả.

Số liệu mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy hiện có tình trạng KBNN tồn ngân, phải đi gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn. Tình trạng này theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Minh Đức là do vay theo kế hoạch thì rất dễ thực hiện, nhưng tiêu theo kế hoạch đi đôi với đảm bảo hiệu quả chi tiêu thì khó thực hiện hơn, vì thế dẫn đến chuyện thừa tiền trong KBNN.

Ông Đức cho rằng đi vay phải tính đến dòng tiền ngân sách. Kế hoạch vay là mức cao nhất có thể vay tại thời điểm đó, chứ không phải bắt buộc phải đạt được, có thể vay thấp hơn cũng không sao. Việc triển khai các kế hoạch, ký kết hợp đồng vay nợ hay phát hành trái phiếu cần cân nhắc yếu tố dòng tiền trong KBNN, nhằm giảm tồn ngân.

Quyết định chi sai phải chịu trách nhiệm

Vay về, chi ra sao, đó là vấn đề quan trọng nhất đối với quản lý nợ công. Bởi vì, theo nhiều chuyên gia, vay bao nhiêu không quan trọng bằng việc vay để làm gì, tiêu ra sao cho hiệu quả, để vẫn đảm bảo khả năng trả nợ. Thế nhưng, thực tế có chuyện tìm cách chi cho hết, không tính đến hiệu quả.

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị Luật Quản lý nợ công sửa đổi phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người ký quyết định chi ngân sách. Nếu có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, tài chính hay hình sự.

Làm được vậy mới tránh được tình trạng hiện nay là “người làm không được hưởng, kẻ phá không phải chịu” như cách ví von của chuyên gia Nguyễn Minh Đức. Ông Đức kiến nghị thêm, cần tách riêng vay để chi đầu tư phát triển và vay để bù đắp thiếu hụt tạm thời, trong đó vay nợ công chỉ dùng cho chi đầu tư phát triển, thiếu hụt tạm thời sử dụng công cụ tín phiếu kho bạc để giải quyết, không liên quan đến vay nợ công.

Cơ cấu chi ngân sách cũng cần phải có cải thiện, theo hướng giảm chi thường xuyên, vì hiện ngân sách dành gần như hết cho chi thường xuyên và trả nợ, chi đầu tư hầu hết phải đi vay.

Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch thực chất các khoản chi ngân sách để có thể giám sát được. Theo ông Doanh, minh bạch ngân sách của nước ta còn rất thấp trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy càng minh bạch, quy định cụ thể chi tiết về công khai, minh bạch với các khoản chi ngân sách bao nhiêu càng giúp sử dụng hiệu quả vốn vay, kinh tế càng phát triển. Ở nước ta có hiện tượng có thể có công khai thông tin ở mức độ nhất định nhưng ít tiến bộ về minh bạch vì những thông tin được công bố ít có ý nghĩa thực tế, những thông tin thiết thực nhất không được công khai. Ông Doanh lấy ví dụ nhiều nước minh bạch chi tiêu cụ thể đến từ chi phí vé máy bay, tiệc chiêu đãi,… của nguyên thủ.

Từ góc nhìn của một tổ chức quốc tế, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp của Tổ chức Oxfam, cũng nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công vì đây là yếu tố tiên quyết để đảm bảo quản lý tốt nợ công. Bà Hương dẫn ra cách làm của Quỹ tiền tệ quốc tế với những hướng dẫn rất cụ thể chế độ báo cáo và công bố thông tin về nợ công. Theo đó, nợ công được báo cáo rất chi tiết theo từng chủ nợ, công cụ nợ, đồng tiền nợ, kỳ hạn và lãi suất với tần suất báo cáo hàng tháng. Theo bà Hương, Chính phủ và UBND các cấp cần công bố các tài liệu ngân sách và dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách sửa đổi 2015 và Luật Đầu tư công 2014. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể mở rộng không gian cho sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách và đầu tư công.

Ngoài ra, số liệu vay bao nhiêu phải được công bố, cập nhật thường xuyên. TS. Vũ Sỹ Cường thuộc Học viện Tài chính nhận xét, hiện không thể thống kê được nợ xây dựng cơ bản chính quyền địa phương, mỗi lần đưa ra một con số và không thống kê được thì không thể điều hành chính xác. Trong khi đối với nhiều nước trên thế giới, con số nợ công được cập nhật rất kịp thời và công khai để người dân biết. Ở Mỹ có đồng hồ nợ công treo ở Quảng trường Thời đại thể hiện rõ mỗi người Mỹ đang nợ bao nhiêu. Thời điểm công bố bản tin nợ công phù hợp, theo một số ý kiến, ít nhất phải 1 tháng 1 lần, thay vì cả năm sau mới công bố như hiện nay.

Chuyên đề