Ý thức dân tộc nhìn từ bản “Tuyên ngôn Độc lập”

(BĐT) - Trong những ngày tháng 8 mùa thu, mỗi người dân Việt Nam lại hồi tưởng ký ức về một thời hào hùng của dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng 8 năm 1945 và âm vang hùng tráng của Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ý thức dân tộc nhìn từ bản “Tuyên ngôn Độc lập”

Bản Tuyên ngôn ngắn gọn nhưng súc tích ấy hàm chứa nhiều giá trị lịch sử. Một trong những giá trị lớn lao của Bản tuyên ngôn chính là khẳng định chủ quyền dân tộc, ý thức dân tộc và quyền con người thấm đẫm tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ý thức dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khẳng định sự tự ý thức về các quyền cơ bản của con người, của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn nêu rõ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Sự kiện 2/9/1945 với Bản Tuyên ngôn bất hủ đã đánh dấu một sự đổi thay chưa từng có, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước. Đồng thời, tạo ra bước ngoặt có tính chất quyết định, đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Hơn thế nữa, nó không những thể hiện sáng ngời truyền thống đại nghĩa, lòng khoan dung cao cả của dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện sự vận dụng sáng tạo Cương lĩnh dân tộc của V.I. Lênin trong giải quyết vấn đề dân tộc, đó là: các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc có quyền tự quyết...

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bình đẳng là quyền thiêng liêng của các dân tộc, dân tộc Việt Nam hoàn toàn bình đẳng với các dân tộc trên thế giới, không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi và áp bức bóc lột dân tộc khác. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó việc tích cực đấu tranh thủ tiêu sự áp bức bóc lột giai cấp, kết hợp sự phát triển tự thân của mỗi dân tộc với sự giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc khác để mỗi dân tộc phát triển, có cuộc sống phồn vinh, ấm no, tự do, hạnh phúc có ý nghĩa cơ bản nhất. Vì vậy, Người khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Người cũng khẳng định, dân tộc Việt Nam được quyền tự quyết, trước hết là quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định, lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp. Do đó, thay mặt cho quốc dân - đồng bào, Người trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Như vậy, những lập luận đanh thép dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế trong Tuyên ngôn Độc lập đã đặt các thế lực của chủ nghĩa thực dân, đế quốc vào tư thế của những kẻ can thiệp và xâm lược, nếu chúng núp dưới bóng cờ của quân Đồng minh để hòng thôn tính đất nước ta một lần nữa.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định tình cảm, ý chí, niềm tin và tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam, nguyện đem hết trí tuệ và sức lực, tính mạng và của cải để bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ. Đó là ý chí không gì lay chuyển và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng - đỉnh cao của ý thức dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước và có vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Quán triệt và vận dụng tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bản Tuyên ngôn Độc lập, nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.  

Chuyên đề