Xuất khẩu xi măng năm 2019 dự báo khả quan

(BĐT) - 11 tháng năm 2018, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, hiện xuất khẩu xi măng đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD và theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đà tăng trưởng này sẽ tiếp diễn trong năm 2019.
Ngành xi măng hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ xi măng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2019. Ảnh: Thanh Sang
Ngành xi măng hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ xi măng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2019. Ảnh: Thanh Sang

Xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD

Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng công bố mới đây cho thấy, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 11 tháng năm 2018 đã “cán đích sâu” so với mục tiêu kế hoạch đề ra khi đạt 94,97 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 112% kế hoạch năm 2018. Bên cạnh sức tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn duy trì tích cực thì thị trường xuất khẩu đã tăng đột biến, vượt 65% so với kế hoạch đề ra khi xuất khẩu được 28,97 triệu tấn sản phẩm (kế hoạch năm 2018 xuất khẩu từ 18 - 19 triệu tấn sản phẩm). Chỉ tính riêng tháng 11, xuất khẩu sản phẩm xi măng ước đạt 2,75 triệu tấn, tăng tới 60% so với cùng kỳ năm 2017.

Một số doanh nghiệp (DN) xi măng xuất khẩu tăng trưởng khá có thể kể đến: Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1; Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn; Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai; Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn; Công ty CP Xi măng Sài Sơn…

Trao đổi với Báo Đấu thầu chiều 10/12, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam vui mừng cho biết: “Đúng là ngành xi măng đang trong xu hướng tăng trưởng rất khá về xuất khẩu”. Nguyên nhân được ông Cung nêu rõ, trước hết là sức cạnh tranh của sản phẩm xi măng Việt Nam liên tục gia tăng. Các DN xi măng đã đầu tư rất nhiều về công nghệ, năng lực quản trị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Một nguyên nhân khác là năm nay Trung Quốc nhập khẩu nhiều xi măng hơn. “Nếu như năm 2017, Trung Quốc chỉ nhập khẩu nhiều xi măng Việt Nam trong quý IV thì năm nay họ nhập khẩu mạnh ngay từ đầu năm”, ông Cung nói. Cùng với đó, các DN xuất khẩu xi măng của nước ta rất năng nổ chịu khó tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, giá cả thuận lợi… “Tất cả những yếu tố này trở thành động lực kích thích DN xi măng đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Cung khẳng định.

Tín hiệu tích cực này đang cổ vũ thêm nhiều DN xi măng khác lâu nay chỉ quen với thị trường nội địa đầu tư mở rộng, nâng cao công suất để thúc đẩy xuất khẩu. Ông Hoàng Trọng Linh, Trưởng phòng Kế hoạch thị trường thuộc Công ty Xi măng Hoàng Thạch cho hay, DN này đang “đổ vốn” đầu tư dây chuyền mới để hướng tới xuất khẩu. Dự kiến, năm 2020, Hoàng Thạch sẽ hoàn thành dây chuyền này và bắt đầu xuất khẩu xi măng.

Thị trường năm 2019 dự báo tích cực

Trước những diễn biến lạc quan trong hoạt động xuất khẩu xi măng, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, xuất khẩu xi măng cả năm nay sẽ đạt 96 triệu tấn (bao gồm cả clinker). Dự báo về thị trường xuất khẩu xi măng năm 2019, ông Cung cho biết, Hiệp hội đang chuẩn bị một cuộc họp nhằm phân tích, đánh giá thị trường năm 2019 để đưa ra những dự báo phù hợp. “Cuộc họp tập trung phân tích kỹ những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu xi măng năm 2018 liệu có thể kéo dài sang năm 2019 hay không, hoặc sẽ có thêm những yếu tố tác động bất lợi nào khác… Tuy nhiên, cảm nhận cá nhân tôi cho thấy xuất khẩu xi măng sẽ vẫn khả quan trong năm 2019. Mức giá xuất khẩu có thể thấp hơn chút ít”, ông Cung chia sẻ.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, theo ông Cung, sẽ không tác động đến hoạt động xuất khẩu của ngành xi măng Việt Nam. Lý do là, Trung Quốc không xuất khẩu xi măng sang Mỹ nên mặt hàng này không thuộc diện phía Mỹ đánh thuế. Dù vậy, ông Cung lo ngại, việc tăng giá điện theo lộ trình sắp tới sẽ tác động nhất định đến hoạt động sản xuất của ngành xi măng, song sẽ là không nhiều. “Hiện giá xuất khẩu xi măng cũng tương đối cao, do đó, DN làm ăn tương đối hiệu quả”, ông Cung nhận xét thêm.

Về khả năng sản xuất xi măng năm 2019, Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, ngành xi măng hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ xi măng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2019 (bao gồm cả xi măng tiêu thụ nội địa và clinker, xi măng xuất khẩu). Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội Xi măng triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; đẩy mạnh triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm…

Chuyên đề