Xuất khẩu sản phẩm da giày hứa hẹn tăng trưởng tốt

(BĐT) - Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, do Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 hoặc 2019.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách kỳ vọng, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày năm 2018 đạt 19 - 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Ảnh: Thanh Thủy
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách kỳ vọng, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày năm 2018 đạt 19 - 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Ảnh: Thanh Thủy

Nền kinh tế thế giới năm 2018 có xu hướng tăng trưởng tích cực nên nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tốt hơn năm 2017. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ước tính 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,6% và xuất khẩu túi - cặp các loại đạt 1,66% tỷ USD, không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 9,45 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu như năm 2017 khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng 80,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, thì 5 tháng đầu năm 2018 có xu hướng giảm, chỉ chiếm 79,8%.

Vẫn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 31/5/2018, Mỹ là thị trường xuất khẩu sản phẩm da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày của cả nước. Trong đó, riêng xuất khẩu giày dép đạt 2,31 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giầy 6 tháng đầu năm ước đạt 9,45 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Kế đến, thị trường EU đứng thứ 2, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 28,9% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc đạt 610 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tỷ trọng 8,7%. Nhật Bản đạt 495 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 6,8%. Hàn Quốc đạt 262 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày. Tổng cộng 5 thị trường nói trên chiếm 85,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày và 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng trong năm 2017 để đón đầu các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nên xuất khẩu da giày của Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng. Đặc biệt, ngành da giày còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường ASEAN, Đông Á và châu Đại Dương, Bắc Mỹ, châu Âu… nên Lefaso lạc quan vào kết quả xuất khẩu năm 2018.

Căn cứ vào những kết quả đã đạt được, Lefaso kỳ vọng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành da giày tăng 7 - 10% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 19 - 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày sang Mỹ tăng 11% và sang EU tăng 12% so với năm 2017. Xuất khẩu giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi - cặp đứng thứ 10 trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày lên 55%.

Chuyên đề