Xử lý tội phạm tham nhũng: Vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”

(BĐT) - 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán; có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Đó là những con số đáng chú ý tại phiên thảo luận hôm qua của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Số tài sản thu hồi quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
Số tài sản thu hồi quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán

Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá, năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành đã trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản để hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đầu tư công, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp… Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận, khiến một đại biểu Quốc hội phải cho rằng nên đổi tên Luật Phòng, chống tham nhũng thành “Luật Diệt tham nhũng”, vì tính lây lan, mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn của hành vi tham nhũng.

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là thu hồi tài sản do tham nhũng. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thu hồi tài sản do tham nhũng là mục tiêu chính trong đấu tranh chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chỉ có một dòng nhạt nhòa “thu hồi có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp”.

Theo ông Hiển, theo dõi một số vụ án lớn thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia "còn thất vọng hơn nhiều". Như vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan gần một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. "Việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia", ông Hiển nói. 

Đa số xử lý theo kiểu “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”

Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn ra “nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công...”.

Ủy ban Tư pháp kiến nghị, bên cạnh việc chống các hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, năm 2018, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn.

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2017, chỉ có 39 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý trong khi đó có 433 bị cáo bị Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm về tội tham nhũng; hàng trăm nghìn vụ việc bị xử phạt hành chính qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, trong đó có những vụ liên quan đến tham nhũng.

Việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít. Cơ quan thanh tra đã ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ với 214 đối tượng; cơ quan kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào.

Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử. Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. 

Đại biểu Quảng Trị đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm? Ông Thắng đề nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được.

Chuyên đề