Xử lý phần 20% kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như thế nào?

(BĐT) - Theo Báo cáo của Chính phủ, vẫn còn 518.389 triệu đồng nằm trong 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015 chưa được thanh toán của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc thanh, quyết toán một phần xuất phát từ công tác tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của nhiều đơn vị còn nhiều bất cập.
Còn 518.389 triệu đồng nằm trong 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 chưa được thanh toán của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Còn 518.389 triệu đồng nằm trong 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 chưa được thanh toán của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu quốc hội, với thực tế của việc chi vượt so với thu của quỹ BHYT thì việc có kết dư ở các địa phương là việc cần được khích lệ và để lại khoản này cho các địa phương để đưa vào quỹ chi cho người dân tiếp tục đến khám bệnh. 

Lúng túng trong tổ chức thực hiện

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ KCB tổng số là 5.838 tỷ đồng; phần 20% kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT để lại cho địa phương sử dụng theo quy định của Luật BHYT là 1.167 tỷ đồng. Phần 20% này được sử dụng cho hỗ trợ quỹ KCB cho người nghèo (109,043 tỷ đồng); hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng là 294,555 tỷ đồng; mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế, mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện là 763,497 tỷ đồng.

Đối với số tiền sử dụng để mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế, mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, còn 518,389 tỷ đồng tạm thời chưa thanh toán của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 8 tỉnh, thành phố đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ hợp đồng mua sắm trong thời hạn 12 tháng nhưng thanh toán sau thời hạn 12 tháng; 2 tỉnh đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 12 tháng nhưng phê duyệt kết quả đấu thầu, tạm ứng, lắp đặt, bàn giao tài sản hoàn thành sau thời hạn; riêng TP.HCM đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 12 tháng nhưng phê duyệt kết quả đấu thầu sau thời hạn 12 tháng (chưa tạm ứng, lắp đặt, bàn giao tài sản).

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2017 là năm đầu tiên, các địa phương có kết dư quỹ KCB BHYT được sử dụng 20% để hỗ trợ quỹ KCB cho người nghèo, hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng, mua trang thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển người bệnh theo quy định của Luật BHYT nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều lúng túng.

Ngoài ra, để có căn cứ mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu KCB, các địa phương phải rà soát, tổng hợp nhu cầu mua sắm trang thiết bị của tất cả cơ sở KCB trên địa bàn gắn với tiêu chuẩn, định mức, tuyến chuyên môn kỹ thuật để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt mất nhiều thời gian.

Việc tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về đấu thầu phải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều đơn vị, nhận thức về các quy định còn khác nhau dẫn đến mất nhiều thời gian giải trình, thẩm định mới đi đến thống nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguyên nhân chủ quan là các đơn vị được giao chủ trì thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh thiếu chủ động, chưa tham mưu kịp thời cho UBND cấp tỉnh; bên cạnh đó, việc đôn đốc, kiểm tra của UBND cấp tỉnh thiếu liên tục, chưa kịp thời cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Để lại khoản kết dư cho 11 địa phương

Tại Phiên thảo luận tại tổ chiều 22/10, các đại biểu quốc hội bày tỏ một số quan điểm liên quan tới đề nghị của Chính phủ về việc cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT này.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội), quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, thời gian qua thường xuyên chi vượt thu nên việc có 11 địa phương có kết dư, thực hiện mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển có chậm hơn quy định có nguyên nhân chủ quan một phần do các địa phương chậm trễ, và đây đều là nguyên nhân do cơ quan quản lý chứ không phải do người dân. Trong khi đó, đây là tiền do người dân đóng, nên đại biểu Tuấn đề nghị, để lại khoản 20% này cho 11 tỉnh để tiếp tục mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế, quỹ BHYT với cách dùng như hiện nay, “đóng có hạn sử dụng vô hạn” thì theo đại biểu này sẽ có nguy cơ thâm hụt nhiều hơn là kết dư. Do đó, với kết dư mà đại biểu Trí cho là “sự kỳ lạ không thể hiểu được” thì ông muốn dùng tiền này cho y tế dự phòng, chứ không phải cho quỹ dự phòng (để tiếp tục chi cho người đến khám). “Ở nước ngoài sử dụng quỹ BHYT để truyền thông cho người dân biết cách tăng sức khỏe, không bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Nếu còn tình trạng kết dư thì hãy ưu tiên sử dụng quỹ này cho công tác y tế dự phòng, tuyên truyền cho người dân biết tránh các loại bệnh, có lợi ích rất nhiều so với để chi trả kinh phí KCB” – đại biểu Trí khuyến nghị.

Ở góc nhìn của mình, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) không đồng tình với cách đặt vấn đề xoáy vào sự chậm trễ của 11 tỉnh trong việc không hoàn tất chi tài khoản kết dư này. “Thực ra, với chi phí y tế hiện nay ngày càng theo giá thị trường, tính giá đúng giá đủ thì đáng lẽ 63 tỉnh, thành phải bị lạm chi quỹ BHYT. Tuy nhiên, lại có 38 tỉnh thành kết dư, điều này thể hiện sự không đồng đều trong quản lý chi BHYT giữa các địa phương” – bà Lan nhận định. 

Do đó, ở góc độ quản lý nhà nước, cần phải ghi nhận sự nỗ lực của cán bộ bảo hiểm ở việc “nhà nghèo còn bớt được tiền chợ”. Tuy nhiên, về lâu dài, bà Lan không ủng hộ việc kết dư này mà phải tính toán vấn đề BHYT làm sao để đảm bảo chất lượng KCB cho người dân, không nên chạy theo giá dịch vụ y tế rẻ để kết dư quỹ BHYT.

Ngoài ra, sau chuyện này, bà Lan cảnh báo không địa phương nào còn động lực để kết dư nữa bởi sử dụng được khoản tiền kết dư này khó quá, nếu không sử dụng được còn bị đề nghị phê bình. Việc này đã đặt các tỉnh, thành vào tình thế rất khó. 

Bà Lan đề xuất nên theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nếu quá hạn thanh toán rồi thì thôi. Tuy nhiên, phải xem lại cách quản lý và khuyến khích quản lý quỹ để không vỡ quỹ. 

“Kết dư không phải là mục tiêu sau cùng. Và nếu như địa phương nỗ lực thực hiện và có kết dư mà người bệnh vẫn hài lòng thì tỉnh, thành đó phải được thưởng, không phải thực hiện thủ tục mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển dẫn đến việc chậm trễ như trên” - bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên đề