Xu hướng phát triển thay đổi hậu Covid-19: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giai đoạn phát triển sắp tới của Việt Nam sẽ rất khác so với giai đoạn chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, bởi thế giới biến động khó lường, công nghiệp biến đổi nhanh chóng và các cấu trúc kinh tế, trật tự thế giới, xu hướng phát triển sẽ có sự thay đổi sâu sắc. 
Mô hình tăng trưởng cần được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu suất dựa trên khu vực doanh nghiệp tư nhân năng động. Ảnh: Lê Tiên
Mô hình tăng trưởng cần được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu suất dựa trên khu vực doanh nghiệp tư nhân năng động. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhiều ý kiến, để duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa và cần được coi là đột phá chiến lược mới.

Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam đã “chạy rất nhanh” trên con đường phát triển để trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, con đường còn rất dài để trở thành một nước có thu nhập cao. Trong khi những năm tới, Việt Nam sẽ khó “chạy nhanh” như trước đây nếu không có sự thay đổi, vì những thế mạnh giúp kinh tế phát triển thời gian qua đã tới hạn. Chuyên gia của WB lưu ý, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, đặc biệt từ tác động của dịch Covid-19, Việt Nam sẽ khó xuất khẩu hơn. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thay đổi cục diện “cuộc chơi”, đòi hỏi Việt Nam phải chú trọng đến khả năng cạnh tranh, đến sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, tự động hóa…

Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng, địa chính trị kinh tế đang chuyển biến nhanh chóng. Vùng động lực tăng trưởng của thế giới là châu Á - Thái Bình Dương, hẹp hơn là Đông Á sẽ có vị trí mới, là nhân tố mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thế giới. Dòng thương mại, đầu tư sẽ dịch chuyển nhanh hơn, thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu. Đồng thời, toàn cầu hóa xuất hiện nhiều lực cản mới và chắc chắn sẽ có điều chỉnh. Một nền kinh tế mở như Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu sẽ chịu nhiều tác động, phải xem xét, cân nhắc lại cơ cấu sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt, sự xuất hiện những công nghệ đột phá, tốc độ lan truyền của công nghệ rất cao sẽ hình thành xu thế rõ rệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ dựa trên cạnh tranh tri thức và công nghệ.

Bối cảnh mới vừa mở ra cơ hội vừa tạo thách thức mới cho Việt Nam. Nhìn lại kinh nghiệm thành công của các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc đều song hành với chiến lược công nghệ, TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và công nghệ sẽ giúp thay đổi tư duy của nhà hoạch định, giúp “thoát xác” khỏi mô hình cũ vẫn còn trong tư duy…

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, điều chỉnh mô hình tăng trưởng là đòi hỏi tất yếu, nếu không làm được thì càng ngày càng bị bỏ xa. Và để điều chỉnh mô hình tăng trưởng, chìa khóa là đổi mới và sáng tạo. Đổi mới sáng tạo sẽ là động lực cho phát triển, đột phá cho tăng trưởng, là yếu tố cơ bản để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao.

Liên quan đến mô hình tăng trưởng, ông Jacques Morisset khuyến nghị, Việt Nam cần phải thay đổi, nếu không thay đổi thì tăng trưởng sẽ giảm tốc. Mô hình tăng trưởng cần được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu suất dựa trên khu vực doanh nghiệp tư nhân năng động, kết cấu hạ tầng hiệu quả, lao động có kỹ năng và nền kinh tế xanh.

Nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia của WB cho rằng, dù ngân sách dành cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước, nhưng trước khi tính tới phân bổ nhiều hơn thì cần nâng cao hiệu quả vốn ngân sách hiện có cho đổi mới sáng tạo bằng cách không phải tập trung nhiều vào nghiên cứu, mà phải thành nguồn vốn mồi cho khu vực tư nhân tham gia đổi mới sáng tạo.

Chuyên đề