Xây dựng cơ chế để Đà Nẵng phát triển bứt phá

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Nghị quyết), với nhiều cơ chế, chính sách riêng để TP. Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn, tạo động lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Đà Nẵng được đề xuất tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Ảnh: Lê Tiên
Đà Nẵng được đề xuất tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Ảnh: Lê Tiên

Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương “cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng...”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT đã tổ chức xây dựng Dự thảo Nghị quyết, công bố lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ từ tháng 1/2020. Ngày 4/2/2020, Dự thảo được đưa ra thảo luận tại cuộc họp thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.

Theo Bộ KH&ĐT, Dự thảo Nghị quyết đề xuất các chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch, đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, phí, lệ phí, thuế, tạo động lực cho TP. Đà Nẵng phát triển. Đồng thời đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay.

Về chính sách huy động vốn đầu tư phát triển, Dự thảo Nghị quyết đề xuất nâng mức dư nợ vay của Thành phố lên khá nhiều so với quy định hiện nay. Cụ thể, Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của Thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hiện tại, theo quy định, tổng mức dư nợ vay của Đà Nẵng tối đa là 40% số thu ngân sách Thành phố được hưởng. Mức này thấp hơn mức dư nợ vay tối đa là 90% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố này.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề xuất các chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch, đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, phí, lệ phí, thuế, tạo động lực cho TP. Đà Nẵng phát triển. Đồng thời đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay.
Bộ KH&ĐT tính toán, theo dự toán ngân sách năm 2019 đã được Quốc hội giao, mức dư nợ vay tối đa của TP. Đà Nẵng là 6.577 tỷ đồng, nếu nâng mức dư nợ vay lên 60%, dư nợ vay tối đa của Thành phố khoảng 9.865 tỷ đồng, tăng 3.288 tỷ đồng so với quy định hiện hành. Dự kiến năm 2020, mức dư nợ vay tối đa của TP. Đà Nẵng theo quy định hiện hành là 10.060 tỷ đồng, trường hợp nâng dư nợ vay lên 60% thì tối đa khoảng 15.000 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng.

Đại diện TP. Đà Nẵng cho rằng, việc tăng giới hạn mức dư nợ vay tối đa lên 60% sẽ bảo đảm cho TP. Đà Nẵng có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố, với tổng nhu cầu vốn dự kiến lên tới gần 6,3 tỷ USD.

Số liệu của Đà Nẵng cho thấy, nhiều dự án đang có nhu cầu vốn lớn như: Dự án Xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Đà Nẵng dự kiến 4 tỷ USD, Dự án Đường sắt đô thị Đà Nẵng (gồm 2 tuyến) dự kiến 750 triệu USD, Dự án Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng dự kiến 201,4 triệu USD, Dự án Cảng Liên Chiểu dự kiến 147 triệu USD, Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị TP. Đà Nẵng dự kiến 678 triệu USD, Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Đà Nẵng dự kiến 137 triệu USD...

Trước một số ý kiến lo ngại việc nâng hạn mức dư nợ vay này sẽ ảnh hưởng đến nợ công, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc tăng mức dư nợ vay của Thành phố được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước. Mức vay và bội chi ngân sách của Thành phố hàng năm được tổng hợp trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo nhiều ý kiến tại Cuộc họp, nếu giữ nguyên mức dư nợ vay như hiện tại thì không tạo đủ nguồn lực để xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đạt mục tiêu của Bộ Chính trị. Với việc tạo thêm nguồn lực đầu tư cùng với các chính sách khác, Nghị quyết khi được ban hành sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Chuyên đề