Xăng dầu giảm giá, doanh nghiệp vận tải trục lợi

(BĐT) - Trước động thái “cù nhầy” của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không chịu giảm cước trong khi từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã giảm 2 lần (4/1 và 19/1), Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút sửa đổi Hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “cù nhầy” trong việc giảm giá cước. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “cù nhầy” trong việc giảm giá cước. Ảnh: Lê Tiên

Công khai doanh nghiệp vận tải phải kê khai giá

Theo Dự thảo hướng dẫn này thì Sở GTVT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND cấp tỉnh thông báo danh sách các DN vận tải bằng xe ô tô thuộc đối tượng thực hiện kê khai giá tại địa phương. Danh sách DN kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT, Sở Tài chính và được thông báo đến DN vận tải.

Cũng theo Dự thảo, khi giá nhiên liệu đầu vào (xăng dầu) giảm từ 20% trở lên so với thời điểm kê khai liền kề trước, thì tối đa sau 5 ngày kể từ ngày giá nhiên liệu giảm, DN vận tải phải kê khai hoặc thông báo giá phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu. DN vận tải được điều chỉnh tăng, giảm giá vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai. Trường hợp tăng, giảm giá trong phạm vi 3% thì không phải kê khai lại, nhưng phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước trước khi áp dụng giá mới.

Trường hợp DN vận tải áp dụng phụ thu (nếu có) trong dịp Tết Nguyên đán thì tùy tình hình thực tế địa phương, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh quy định thời gian phụ thu tối đa trong 10 ngày trước và 10 ngày sau mùng 1 Tết Âm lịch, tuyến vận tải được phụ thu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp đặt mức phụ thu tối đa. DN vận tải hành khách tuyến cố định quy định mức phụ thu cụ thể (nếu có) không vượt tỷ lệ phụ thu, thời gian phụ thu do địa phương nơi cấp Giấy phép kinh doanh quy định nhưng phải gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai giá ít nhất 5 ngày trước khi thực hiện.

Trường hợp điều chỉnh giảm giá, DN vận tải được thực hiện ngay mức giá kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian 5 ngày làm việc, nếu cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá có ý kiến do tỷ lệ giảm chưa phù hợp thì đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục thực hiện giảm theo tỷ lệ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. 

Chậm giảm giá cước vận tải để trục lợi

Việc phải sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ là do mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này (Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT) nhưng các DN vận tải vẫn “cù nhầy” trong việc giảm giá cước vận tải khi giá xăng, dầu đồng loạt giảm liên tục trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự bức xúc trước việc nhiều DN vận tải đang trục lợi nhờ giá xăng, dầu giảm. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đăng ký giá, kê khai giá; sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý giá vận tải, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị: “Các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội cùng với cơ quan quản lý nhà nước gây sức ép đối với DN vận tải - những người được hưởng lợi nhiều nhất do giá xăng dầu giảm, nhưng kinh doanh không minh bạch, không công bằng, không bảo đảm hài hòa lợi ích với Nhà nước, DN và người tiêu dùng”.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, xăng dầu giảm giá là cơ hội rất lớn để giảm giá đầu vào, kiềm chế lạm phát, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Xăng dầu giảm giá là động lực rất lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, qua đó góp phần rất lớn tăng thu ngân sách nhà nước đề bù lại hụt thu do giá xăng dầu giảm. Vì vậy, phải quản lý chặt chẽ cước vận tải, không để DN vận tải trục lợi giá xăng dầu khiến cả Nhà nước, người tiêu dùng và cả nền kinh tế chịu thiệt hại”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, điều hành giá cước vận tải cũng phải vận hành như điều hành giá bán lẻ xăng dầu. “Cứ giá thế giới lên thì mình điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, giá thế giới giảm thì điều chỉnh giảm. Cứ giá bán lẻ xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng và ngược lại, giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải phải giảm tương ứng. Nếu điều hành nhịp nhàng, theo đúng cơ chế thị trường thì không nhất thiết phải có Quỹ Bình ổn xăng dầu”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, một trong những công việc mà ông rất kiên quyết khi được giao làm người đứng đầu ngành tài chính là phải quản lý được giá xăng dầu theo hướng nếu giá thế giới tăng thì DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được điều chỉnh sau 15 ngày kể từ ngày điều chỉnh gần nhất, còn giá thế giới giảm thì phải giảm ngay. “Việc tăng hay giảm giá là do thị trường quyết định, vấn đề là phải công khai, minh bạch và bảo đảm hài hòa lợi ích của DN, Nhà nước và người tiêu dùng”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đồng thời thừa nhận công tác quản lý giá cước vận tải trong thời gian vừa qua chưa thực sự tốt. Và ngay bản thân ông đã từng bị báo chí gây sức ép yêu cầu DN vận tải phải giảm giá cước.

Chuyên đề