Xác định đột phá chiến lược cho 3 tỉnh miền núi phía Bắc

(BĐT) - Với nguồn lực hạn hẹp, việc xác định đột phá chiến lược, ưu tiên đầu tư để dồn nguồn lực thực hiện là rất quan trọng với quốc gia cũng như mỗi địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chiến lược phải giúp chúng ta tận dụng bằng được các cơ hội, dù là nhỏ nhất, mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, sinh kế cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang cần xác định ưu tiên đầu tư, lựa chọn dự án nào trước trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, nhu cầu đầu tư lớn. Ảnh: MPI
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang cần xác định ưu tiên đầu tư, lựa chọn dự án nào trước trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, nhu cầu đầu tư lớn. Ảnh: MPI

Trong 3 ngày 19 - 21/2/2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT làm việc tại 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Chuyến công tác nhằm lắng nghe các địa phương đóng góp ý kiến để chuẩn bị xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương…

Lãnh đạo các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang đã chia sẻ về định hướng phát triển của mỗi tỉnh. Một trong những vấn đề băn khoăn chung của lãnh đạo 3 tỉnh là lựa chọn đột phá chiến lược nào cho giai đoạn 5, 10 năm tới để có thể phát huy được thế mạnh của địa phương, phát triển một cách bền vững...

Tỉnh Tuyên Quang đang xem xét các đột phá chiến lược là phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh; phát triển hạ tầng giao thông và đô thị động lực theo hướng bền vững, liên kết vùng; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng. Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết: “Hai đột phá đầu tiên là chắc chắn, chúng tôi quyết tâm phải làm. Nhưng đột phá thứ ba thì đang băn khoăn, bởi phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao không đơn giản. Có ý kiến cho rằng, nên chọn đột phá thứ ba là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư”.

Tỉnh Hà Giang thì dự kiến 3 đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, hạ tầng dịch vụ du lịch.

Còn lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết, các khâu đột phá đang được nghiên cứu lựa chọn gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Lãnh đạo Tỉnh mong muốn Bộ KH&ĐT khi tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cần phát huy tối đa nội lực của vùng trung du và miền núi phía Bắc, khai thác tối đa các lợi thế so sánh; coi trọng liên kết phát triển vùng, bao gồm cả nội vùng và liên kết với các tỉnh trong vùng Thủ đô. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng duy trì ở mức trung bình của cả nước; có chính sách đầu tư để tạo mối liên kết vùng, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng và liên vùng; phát triển các sản phẩm hàng hóa mà vùng có thế mạnh, xử lý các vấn đề môi trường của vùng như vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước lưu vực các sông và xử lý rác thải. Xây dựng chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi nói chung, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng.

Là Tổ trưởng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nói đến vấn đề xác định đột phá chiến lược của giai đoạn tới. Bộ trưởng từng chia sẻ rằng, chiến lược phải giúp chúng ta tận dụng bằng được các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Bên cạnh thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, đột phá chiến lược của giai đoạn tới cần bao hàm những yếu tố mới là khoa học công nghệ, tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như những thành tựu khoa học công nghệ, phát huy trí tuệ con người cho phát triển. Tuy nhiên, cần lồng ghép để không thành quá nhiều đột phá, tập trung được nguồn lực thực hiện.

Đối với Tuyên Quang, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dù là chọn đột phá nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là nâng cao thu nhập, sinh kế cho người dân, bởi Tỉnh muốn mạnh thì dân phải giàu. Bộ trưởng cũng đề xuất Tuyên Quang phải đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao hơn để có động lực phấn đấu, cố gắng, có bước đột phá trong giai đoạn tới.

Với Phú Thọ, Bộ trưởng chỉ ra nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi của Tỉnh và Phú Thọ phải biết biến tiềm năng thành cơ hội, nhất là khi nguồn lực đất đai của Tỉnh còn nhiều, giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, hạ tầng cũng đang ngày càng được hoàn thiện. Bộ trưởng cho rằng, quy hoạch là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi nếu chọn được con đường đúng thì ta sẽ đi nhanh nhất, bền vững nhất. Phú Thọ nên thuê tư vấn nước ngoài và cả tư vấn trong nước để xây dựng quy hoạch cho Tỉnh.

Tinh thần chung, theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng là rất quan trọng để các tỉnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, các tỉnh cần xác định ưu tiên đầu tư, lựa chọn dự án nào trước trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, nhu cầu đầu tư lớn. Đó cũng là lý do vì sao khi thị sát Dự án Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm do Tập đoàn Vingroup đầu tư, trước đề xuất của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về việc hỗ trợ nguồn lực để triển khai đường từ TP. Tuyên Quang tới Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, kết nối với Quốc lộ 37 đi Yên Bái, quy mô khoảng 1.100 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi rằng, dự án này nên “để Tập đoàn Vingroup đầu tư”. Với nguồn lực có hạn, nên tập trung vào các dự án ưu tiên, các dự án kết nối có tác động liên vùng, các dự án giao thông có tính chất huyết mạch, các dự án trọng điểm có tính dẫn dắt, lan tỏa.

Chuyên đề