Vùng kinh tế phía Nam: Hạ tầng là chìa khóa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

(BĐT) - Đầu tư cho hạ tầng giao thông, tính kết nối đồng bộ giữa các vùng kinh tế, đặc biệt với vùng kinh tế TP.HCM, có vai trò quan trọng để giữ nhịp tăng trưởng bền vững. Đồng thời, TP.HCM cũng nên được tạo cơ chế để trở thành địa phương “dẫn đầu”, kéo khu vực phía Nam phát triển thay vì chỉ “đứng đầu”. 
TP.HCM đang triển khai xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố, tăng kết nối với các khu vực lân cận. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM đang triển khai xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố, tăng kết nối với các khu vực lân cận. Ảnh: Lê Tiên

Đây là những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) tại buổi công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với WB tổ chức tại TP.HCM,

Cải thiện công tác phối hợp

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 được hoàn thành và công bố vào thời điểm hết sức quan trọng khi Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Đây là giai đoạn có thể tạo nên những đột phá cho phát triển, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động cùng tác động khó lường của biến đổi khí hậu.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, Báo cáo đã trình bày tổng quan, toàn diện các vấn đề kết nối ở Việt Nam, sử dụng một bộ công cụ và phương pháp phân tích mới để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan về cách lựa chọn chính sách và chiến lược đầu tư nhằm hỗ trợ sự hội nhập của Việt Nam với thị trường toàn cầu, tăng cường và thúc đẩy sự phát triển toàn diện về không gian, cùng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

9 khuyến nghị trọng tâm trong 4 lĩnh vực kết nối đã được các chuyên gia chia sẻ, đứng đầu là khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh giữa các địa phương; hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn, nhằm tăng cường kết nối trong nước và quốc tế.

Hiện nay, tính liên kết, tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng giữa các vùng kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Một ví dụ điển hình là kết nối giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM chưa được đầu tư tương xứng dẫn tới chi phí logictics vẫn bị doanh nghiệp phàn nàn là quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, đại diện WB dẫn chứng.

Về dài hạn, bài toán hạ tầng cho khu vực kinh tế liên vùng là TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được Chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia. Các chuyên gia của WB cho rằng, “sự thành công của các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh với khu vực bằng chính sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp”. 

TP.HCM phải là địa phương dẫn đầu

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận tình trạng yếu kém trong kết nối giữa các cực phát triển đang khiến Thành phố chưa thể phát huy hết tiềm năng. Vì thế, Thành phố đang thực hiện sự kết nối này ở một quy mô giới hạn, đó là xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Ở đây sẽ có khu công nghệ cao thành công bậc nhất cả nước, thu hút 7 tỷ USD vốn đầu tư và xuất khẩu mỗi năm trên 8 tỷ USD. Nơi đây cũng sẽ có mật độ trường đại học cao nhất cả nước. “Khu vực này chiếm 11% diện tích Thành phố, chiếm 11% dân số, triển vọng đóng góp ít nhất 30% tổng sản phẩm kinh tế của TP.HCM”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Theo ông Ousmane Dione, TP.HCM có tiềm năng lớn nhưng cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp, thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông. TP.HCM cần được đầu tư để trở thành địa phương dẫn đầu, kích thích các khu vực lân cận tăng trưởng.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá: “TP.HCM có lợi thế đặc biệt khi hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, mạng lưới đường bộ kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đều thông suốt. Tuy nhiên, sự quá tải khu vực cảng biển, hàng không đang hiện hữu cho thấy tính bền vững chưa cao và cần có sự đầu tư dài hạn hơn cho lĩnh vực này”.

Ông Nguyễn Thành Phong cam kết, nếu TP.HCM được tạo điều kiện để áp dụng các cơ chế đặc thù, được tăng phần ngân sách giữ lại nhằm tái đầu tư cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông, chắc chắn Thành phố sẽ cùng với các địa phương lân cận tạo nên sự đồng bộ vững chắc, là nền tảng để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyên đề